HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Thành phố lâu đời lớn nhất Việt Nam: Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản Tuyên ngôn độc lập, có nhiều tòa nhà cao tầng bậc nhất cả nước

Thái Hà

(Thị trường tài chính) -Đây là nơi giao thoa hài hòa của lịch sử và hiện tại, được xem như một phần “hồn cốt” của Việt Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, ngay từ buổi đầu dựng nước, có một thành phố đã luôn giữ vai trò đặc biệt, không chỉ về mặt chính trị mà còn là trung tâm văn hóa, kinh tế của đất nước. Nơi đây hội tụ đầy đủ tinh hoa, được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau, tùy vào thời kỳ. Thành phố ấy, với bề dày ngàn năm văn hiến, chính là thủ đô Hà Nội.

Thành phố lâu đời lớn nhất Việt Nam: Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản Tuyên ngôn độc lập, có nhiều tòa nhà cao tầng bậc nhất cả nước - ảnh 1

Một góc TP. Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet

Theo Báo điện tử VOV, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di chỉ văn hóa trên địa bàn Hà Nội, thuộc giai đoạn Phùng Nguyên (sơ kỳ thời đại đồng thau, khoảng 4.000 năm trước). Các di chỉ nổi bật bao gồm Đồng Vòng (huyện Đông Anh), Triều Khúc, Văn Điển (huyện Thanh Trì), Ngõa Long (huyện Từ Liêm), Quần Ngựa (quận Ba Đình), hồ Bảy Mẫu (quận Hai Bà Trưng)... Những phát hiện này khẳng định Hà Nội là vùng đất cổ, gắn liền với lịch sử phát triển của người Việt từ thuở sơ khai.

Tuy nhiên, phải đến khi thành Cổ Loa được xây dựng ở huyện Đông Anh (cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km), nơi đây mới thực sự trở thành một đô thị trung tâm về chính trị và xã hội. Năm 938, Ngô Quyền sau chiến thắng oanh liệt trước quân Nam Hán, đã chọn Cổ Loa làm Thủ đô nước ta.

Thành phố lâu đời lớn nhất Việt Nam: Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản Tuyên ngôn độc lập, có nhiều tòa nhà cao tầng bậc nhất cả nước - ảnh 2

Dấu tích thành Cổ Loa xưa. Ảnh tư liệu

Qua bao biến động lịch sử, năm 1010, vua Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, đổi tên thành Thăng Long, mở ra một chương mới huy hoàng trong lịch sử đất nước. Sự kiện này không chỉ là niềm tự hào của người dân Hà Nội mà còn là một cột mốc quan trọng đối với toàn dân tộc. Đến năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng, Hà Nội mới chính thức có tên như ngày nay.

Theo cuốn sách Nghìn năm văn hiến Thăng Long, Hà Nội trải qua hơn 2.000 năm lịch sử và 9 tên gọi chính thức: Long Đỗ, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành và Hà Nội. Ngoài ra, thành phố còn được biết đến với 6 tên gọi không chính thức như Tràng An, Phượng Thành, Long Biên, Long Thành, Hà Thành, Hoàng Diệu.

Hà Nội có rất nhiều điều đặc biệt. Thành phố lâu đời bậc nhất Việt Nam từng được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” vào năm 1999. Đồng thời, nơi đây cũng được lấy làm nơi phát động “Năm quốc tế hòa bình – 2000”.

Thăng Long - Hà Nội là một trong những Thủ đô cổ của vùng Đông Nam Á, là thành phố duy nhất hầu như liên tục trải qua hơn 1.000 năm giữ vị trí là đầu mối chính trị, là trung tâm kinh tế và văn hóa của cả nước. 

Năm 2010, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã công bố và chính thức xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của Thủ đô. Trong đó có một số kỷ lục tiêu biểu như:

Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản Tuyên ngôn độc lập

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội có vinh dự chứng kiến sự hình thành và công bố hai tác phẩm văn hóa chính luận bất hủ của hai tác gia danh tiếng, hai Danh nhân Văn hóa thế giới. 

Đó là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vào đầu thế kỷ XV và Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giữa thế kỷ XX. Hai tác phẩm trên cùng với bài thơ Nam quốc sơn hà (được cho là của Lý Thường Kiệt), vào nửa sau thế kỷ XI, được các nhà sử học coi như 3 bản “Tuyên ngôn độc lập” của dân tộc Việt Nam.

Thành phố lâu đời lớn nhất Việt Nam: Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản Tuyên ngôn độc lập, có nhiều tòa nhà cao tầng bậc nhất cả nước - ảnh 3

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Trong đó, bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với nhân dân cả nước và nhân dân thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945 là một ngày có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần dân tộc. Và từ đó, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam mới.

Thành phố có nhiều hồ đầm nhất

Thăng Long - Hà Nội có nhiều hồ đầm tự nhiên hình thành do quá trình biến đổi dòng chảy qua các thời kỳ kiến tạo địa chất, địa mạo, do sự bồi lấp tự nhiên và do cả sinh hoạt xã hội - con người tác động. 

Vào thập niên cuối của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu ghi nhận có đến hơn 40 hồ đầm lớn nhỏ ở Hà Nội, trong đó 3 hồ nổi tiếng nhất nằm trong nội thành là hồ Tây, hồ Trúc Bạch và hồ Gươm.

Thành phố lớn nhất Việt Nam

Theo Cổng TTĐT TP. Hà Nội, sau khi được mở rộng địa giới năm 2008, thủ đô Hà Nội có diện tích lên tới hơn 3.344km2, trở thành thành phố có diện tích tự nhiên lớn nhất nước ta. 

Thành phố có nhiều di tích thắng cảnh nhất

Là mảnh đất nghìn năm văn hiến, Hà Nội lắng đọng những tinh hoa văn hóa của dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước với hơn 4.000 di tích danh thắng (trong đó có hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng quốc gia), cùng với một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú.

Những di tích danh thắng nổi tiếng của Hà Nội phải kể đến như thành Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh thắng Hương Sơn, chùa Thầy, chùa Tây Phương, Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm… 

Thành phố lâu đời lớn nhất Việt Nam: Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản Tuyên ngôn độc lập, có nhiều tòa nhà cao tầng bậc nhất cả nước - ảnh 4

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hơn 1.200 làng nghề cùng nhiều lễ hội độc đáo và một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, đặc sắc. Đó là một lợi thế, tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch của Thủ đô ngàn năm tuổi.

Thành phố có hệ thống bảo tàng nhiều nhất

Hà Nội là trung tâm chính trị kinh tế và văn hóa của cả nước. Nơi đây đã và đang diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa và đáp ứng yêu cầu học tập tham quan nên các cơ quan Trung ương và thành phố đã quan tâm xây dựng nhiều bảo tàng nhằm phục vụ nhu cầu của học sinh, sinh viên, người dân trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Tiêu biểu như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam...

Hà Nội cũng có những kỷ lục độc đáo rất riêng như con phố ngắn nhất, quảng trường rộng nhất, phố có nhiều cổng làng nhất, chùa cổ nhất, đại học lâu đời nhất, nơi có hệ thống văn bia tiến sĩ nhiều nhất...

Bên cạnh các kỷ lục đã được công nhận như trên, Hà Nội chính là nơi có đường sắt trên cao đầu tiên, nơi có nút giao 4 tầng duy nhất ở nước ta. Tuy không sở hữu tòa nhà cao nhất Việt Nam, nhưng Hà Nội có hơn 1.400 tòa nhà cao tầng đã hoàn thành, được xem là thành phố có nhiều nhà cao tầng nhất Việt Nam…