Siêu sóng thần cao 524m khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại, có thể 'nuốt chửng' tòa nhà chọc trời, cuốn phăng hàng triệu cây cối
(Thị trường tài chính) - Cách đây hơn 60 năm về trước, một trận động đất đã gây ra cơn sóng thần với độ cao kỷ lục.
Sóng thần là một trong những thảm họa tự nhiên khủng khiếp nhất trên Trái Đất. Theo các nhà địa chất học, sóng thần sinh ra từ các trận động đất, những dịch chuyển địa chất dưới và trên mặt nước, núi lửa phun trào và cả từ các vụ va chạm của thiên thạch với Trái Đất.
Lịch sử địa chất thế giới từng chứng kiến một cơn sóng thần kinh hoàng, chưa từng có tiền lệ, đã tàn phá Alaska cách đây 6 thập kỷ và trở thành nỗi ám ảnh của vùng đất này. Vào đêm ngày 9/7/1958, một trận động đất mạnh từ 7,7 đến 8,3 độ richter đã gây ra một trận lở đất khổng lồ trên bờ đông bắc vịnh Lituya dọc theo bờ biển phía nam bang Alaska (Mỹ).
Theo các chuyên gia, vụ lở đất dữ dội đã đổ khoảng 30 triệu m3 đá xuống vịnh Lituya, tạo ra lực mạnh hình thành đợt sóng cao kỷ lục. Ngoài ra, hình dáng đặc biệt của vịnh cũng góp phần tạo ra siêu sóng thần cao đến mức như vậy.
Được biết, đây là một cơn sóng thần khổng lồ với độ cao tối đa lên đến 524m so với mực nước biển - độ cao mà sóng đạt được sau khi đổ bộ. Ở độ cao khủng khiếp này, siêu sóng thần trên vịnh Lituya hoàn toàn có thể "nuốt chửng" tòa nhà chọc trời Empire State cao 443m của Mỹ.
Vịnh Lituya là một vịnh nhỏ ven biển, dài và hẹp, với các sườn dốc được hình thành từ một sông băng cổ đại. Vịnh có chiều rộng lớn nhất khoảng 3,2km, chiều dài khoảng 14,5km cùng độ sâu tối đa lên đến 220m và kết nối với vịnh Alaska qua một khe hở rộng 300m.
Hermann Fritz, chuyên gia về sóng thần và bão đến từ Viện công nghệ Georgia, Mỹ, cho biết rằng trong một trận sóng thần hình thành do lở đất, sóng thường tỏa ra theo hình quạt. Tuy nhiên, với hình dạng hẹp và độ dốc lớn của vịnh Lituya, toàn bộ lực của sóng bị dồn về một hướng. Vì không có lối thoát, nước bị đẩy lên các dốc núi cao xung quanh. Đây chính là lý do khiến siêu sóng thần năm 1958 đạt độ cao kỷ lục như vậy.
Vào đêm định mệnh đó, có ba chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu tại vịnh Lituya. Trong số đó, một chiếc bị hư hại, một chiếc khác bị chìm, may mắn thay ngư dân trên hai thuyền này được cứu kịp thời. Chiếc thuyền còn lại cùng hai ngư dân đã biến mất không một dấu vết, sóng thần đã cuốn trôi họ ra ngoài biển vĩnh viễn.
Bản đồ thiệt hại của vịnh Lituya sau thảm họa sóng thần cao 524m: Hai bên vịnh bị sóng thần phá hủy hoàn toàn (màu vàng). Màu đỏ là nơi hàng chục triệu mét khối đá lở sau trận động đất. Ảnh: Internet
Theo WSSPC, một số người sống sót sau trận sóng thần kỷ lục nhờ chạy thoát qua cửa vịnh. May mắn thay, siêu sóng thần xảy ra cách xa các khu dân cư và mật độ ở đây cũng thưa thớt nên không gây ra thiệt hại nặng nề nào về mặt con người.
Sau khoảng ba tuần, khi sóng đã tan, vịnh Lituya mới được coi là đủ an toàn để các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát. Các nhà nghiên cứu khi đó miêu tả rằng đã có tới hàng triệu cây bị bật gốc và trôi nổi trong vịnh.