Nước gần Việt Nam cho thử nghiệm động cơ máy bay 5.000 km/h: Đường kính chỉ 30cm nhưng tạo ra lực đẩy giúp máy bay di chuyển nhanh gấp 4 lần vận tốc ánh sáng
(Thị trường tài chính) - Động cơ này nhằm phục vụ cho việc phát triển máy bay chở khách từ Bắc Kinh đến New York chỉ trong 2 giờ.
Công ty hàng không vũ trụ thương mại của Trung Quốc Space Transportation vừa thực hiện thử nghiệm đầu tiên với động cơ phản lực dòng thẳng nổ mang tên Jindouyun hay JinDou400, nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển máy bay chở khách siêu thanh có thể bay từ Bắc Kinh đến New York chỉ trong hai giờ. Thông tin này được Interesting Engineering công bố ngày 18/12.
Trong thử nghiệm, Space Transportation còn gọi là Lingkong Tianxing Technology thông báo động cơ đạt tốc độ 5.000 km/h (Mach 4) ở độ cao hơn 20.000 m. Động cơ Jindouyun sở hữu thiết kế nhỏ gọn với đường kính dưới 30 cm và chiều dài chưa đến 3 m nhưng vẫn tạo ra lực đẩy đáng kinh ngạc khoảng 400 kg.
Điểm đặc biệt của thiết kế mới này nằm ở cách nó tạo lực đẩy. Khác với các động cơ tên lửa hay máy bay phản lực truyền thống, Jindouyun không sử dụng turbine hay máy nén. Thay vào đó, động cơ tạo lực đẩy bằng sóng xung kích từ quá trình đốt cháy nổ. Phương pháp này không chỉ cải thiện tỷ số lực đẩy - trọng lượng, mà còn giảm chi phí và đơn giản hóa cấu trúc động cơ, mở ra tiềm năng lớn trong việc phát triển hàng không siêu thanh.
Các thử nghiệm vừa qua không chỉ kiểm tra động cơ mà còn xác minh hiệu suất của các hệ thống quan trọng như nguồn cung nhiên liệu, điện và cơ chế điều khiển. Kết quả đã giúp đảm bảo sự ổn định và độ tin cậy của động cơ, đánh dấu bước tiến quan trọng từ giai đoạn nguyên mẫu đến sản phẩm thực tế.
Động cơ Jindouyun là một phần trong nỗ lực phát triển máy bay dân dụng siêu thanh Yunxing của Space Transportation. Trước đó, vào cuối tháng 10, công ty đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm với nguyên mẫu máy bay Yunxing để kiểm tra các công nghệ then chốt như hệ thống điều khiển, khả năng chịu nhiệt và tính khí động học.
Hàng không siêu thanh không phải là ý tưởng mới. Concorde, máy bay siêu thanh thương mại đầu tiên trên thế giới, từng vận hành từ năm 1976 đến khi "nghỉ hưu" vào năm 2003. Concorde sử dụng bốn động cơ turbine phản lực để đạt tốc độ hành trình gấp đôi âm thanh ở độ cao 18.300 m. Tuy nhiên, Yunxing được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn Concorde nhờ tích hợp công nghệ hàng không vũ trụ tiên tiến.
Yunxing có khả năng bay ở độ cao trên 20.000 m với tốc độ Mach 4, gấp bốn lần tốc độ âm thanh. Điểm khác biệt nằm ở khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng. Máy bay sẽ được phóng lên bằng bộ đẩy, sau đó bộ đẩy sẽ tách ra giữa không trung, để Yunxing bay với tốc độ siêu thanh. Khi gần đến điểm đích, máy bay sẽ giảm xuống dưới tốc độ âm thanh, kích hoạt động cơ tên lửa lỏng để giảm tốc và hạ cánh thẳng đứng.
Để hiện thực hóa tham vọng này, Space Transportation đã liên tục thử nghiệm các giải pháp giảm tốc độ chủ động và hạ cánh thẳng đứng, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả trong vận hành. Công ty đặt mục tiêu ra mắt máy bay chở khách siêu thanh tốc độ Mach 4 vào năm 2027, tiến tới chuyến bay thương mại tốc độ cao đầu tiên vào năm 2030. Với lộ trình đầy táo bạo, Space Transportation đang định nghĩa lại tương lai của hàng không dân dụng, đưa di chuyển tốc độ cao trở thành hiện thực.