Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và châu Á từng tiêu diệt 'pháo đài bay' B-52 trải nghiệm máy bay huấn luyện “made in Vietnam”
(Thị trường tài chính) - Sau trải nghiệm, Trung tướng nhận định: “Tôi cho rằng sau khi huấn luyện với máy bay này, phi công có thể bay tốt với máy bay chiến đấu”.
Chiều 20/12, tới thăm khu vực trưng bày ngoài trời của Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân đã có cơ hội trực tiếp trải nghiệm chiếc TP-150, máy bay huấn luyện quân sự đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.
Trao đổi với VTC News, Trung tướng Phạm Tuân nhận định, TP-150 do Công ty Flying Legend Vietnam lắp ráp, là một lựa chọn phù hợp để huấn luyện phi công giai đoạn đầu trước khi chuyển loại lên các máy bay chiến đấu. Ông đặc biệt ấn tượng khi mẫu máy bay này được lắp ráp tại Việt Nam với sự kết hợp của động cơ, cánh quạt và thiết bị điện tử từ các quốc gia phương Tây. Theo ông, Việt Nam cần tiếp thu công nghệ của các nước thông qua hình thức chuyển giao công nghệ để tiến tới tự chủ sản xuất, nhất là đối với các sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
Trung tướng nhấn mạnh rằng, các máy bay hiện đại ngày nay tuy có nguyên lý hoạt động tương tự nhau nhưng đã được nâng cấp đáng kể, từ hệ thống đồng hồ cơ truyền thống sang đồng hồ điện tử với nhiều tính năng ưu việt hơn. Ông chia sẻ: “Tôi cho rằng sau khi huấn luyện với máy bay này, phi công có thể bay tốt với máy bay chiến đấu”.
Theo giới thiệu của Flying Legend Vietnam, mẫu TP-150 được chế tạo hoàn toàn bằng hợp kim nhôm và trang bị hệ thống càng thu thả, cho phép cất hạ cánh trên nhiều bề mặt đường băng khác nhau. Mẫu máy bay này không chỉ phục vụ huấn luyện phi công quân sự mà còn có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ tuần tra. Trung tướng Phạm Tuân đánh giá cao sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế để tiếp nhận công nghệ và sản xuất tại Việt Nam, coi đây là bước tiến quan trọng trong việc phát triển công nghiệp quốc phòng nước nhà.
TP-150 là mẫu máy bay huấn luyện sơ cấp với thiết kế cho phép thực hiện các động tác nhào lộn trên không hoặc bay theo đội hình. Đây là dòng máy bay hiện đại với trần bay lên tới khoảng 7.000 m, tốc độ cất cánh đạt 100 km/h và vận tốc tối đa 300 km/h.
Máy bay được trang bị động cơ cánh quạt 915iS - 150HP do Mỹ chế tạo, nổi bật với khả năng tiêu thụ nhiên liệu tối ưu, phù hợp cho các nhiệm vụ bay tầm xa và bay trần cao. Điểm đặc biệt là động cơ này có thể sử dụng các nhiên liệu thông thường như xăng A95, mang lại sự tiện lợi và linh hoạt trong vận hành.
Với thiết kế hai chỗ ngồi, TP-150 có trọng lượng cất cánh tối đa 750 kg và khả năng tích hợp các hệ thống tiên tiến như dù khẩn cấp, thùng nhiên liệu phụ, cùng các hệ thống tuần tra giám sát EO/IR và SAR radar.
Phát biểu sau khi tham quan gian trưng bày của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tại triển lãm quốc phòng, Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Ông nhận xét: "So với lần triển lãm năm 2022, triển lãm lần này có quy mô tổ chức, số lượng đơn vị trưng bày lớn hơn; nhiều phương tiện, vũ khí, khí tài hiện đại hơn, trong đó có các sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam".
Trung tướng Phạm Tuân cũng đánh giá cao khả năng tổ chức triển lãm quốc phòng quy mô quốc tế của Việt Nam, khẳng định điều này đã chứng minh tiềm năng và vị thế của đất nước trong lĩnh vực quốc phòng. Theo ông, đây là thành công lớn, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
"Chúng ta tự hào có nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đóng góp lớn vào thành công của triển lãm", ông nói. Trung tướng cũng nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể về hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực tác chiến điện tử, tên lửa và máy bay, khẳng định vị thế ngày càng vững mạnh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam trên trường quốc tế.
Trung tướng Phạm Tuân sinh ngày 14/12/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiếm Xương, tỉnh Thái Bình. Ông là phi công, phi hành gia Việt Nam, Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 9/1965, ông nhập ngũ khi tròn 18 tuổi. Lúc đó, chàng thanh niên Phạm Tuân chỉ cao 1,65m và nặng 52kg, không đủ tiêu chuẩn để thi tuyển phi công nên ông đi học thợ máy, sửa chữa máy bay.Sau một thời gian ngắn, do thiếu phi công chiến đấu, Phạm Tuân được tuyển lại học phi công và tốt nghiệp Trường Không quân Liên Xô năm 1967, về nước chiến đấu năm 1968 Năm 1972, ông được đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị bắn hạ "pháo đài bay" B-52 của Mỹ. Đêm 19/12/1972, ông trở thành phi công Việt Nam đầu tiên tiêu diệt B-52 từ trên không và trở về an toàn, ghi dấu ấn lịch sử trong chiến tranh Việt Nam. Không dừng lại ở đó, năm 1980, Phạm Tuân trở thành người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ trên tàu Soyuz, khởi hành từ sân bay vũ trụ Baikonur, Liên Xô. Chuyến bay kéo dài từ 23/7 đến 31/7/1980, khẳng định thêm những đóng góp xuất sắc của ông trong lịch sử dân tộc và quốc tế. |