Người Việt ‘mạnh tay’ chi 870 tỷ đồng mỗi ngày cho mua sắm trực tuyến trên 5 sàn thương mại điện tử
(Thị trường tài chính) - Báo cáo cho biết năm 2024, doanh số 5 sàn thương mại điện tử lớn đạt 318.900 tỷ đồng, tương đương hơn 870 tỷ đồng/ngày.
Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử năm 2024 do Metric – đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực dữ liệu thương mại điện tử tại Việt Nam – vừa công bố, thị trường này tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng trong năm qua.
Cụ thể, tổng doanh thu từ 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo, đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023. Đáng chú ý, số lượng sản phẩm bán ra cũng tăng vọt 50,76%, lên tới 3,42 triệu sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, người tiêu dùng Việt Nam chi hơn 870 tỷ đồng cho việc mua sắm trực tuyến.
Shopee giữ vững vị thế dẫn đầu với mức tăng trưởng 34% và thị phần ổn định. Trong khi đó, TikTok Shop nổi lên như một thế lực mới với tốc độ tăng trưởng doanh số đáng kinh ngạc, đạt 121%, qua đó mở rộng thị phần lên 29%, chiếm phần lớn thị phần từng thuộc về Lazada – hiện chỉ còn nắm giữ 6%.
Ngược lại, các sàn Lazada, Tiki và Sendo ghi nhận mức tăng trưởng âm từ 50-54%, do sức ép cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Theo Metric, “Sự trỗi dậy mạnh mẽ của TikTok Shop không chỉ củng cố vị thế của mình mà còn góp phần tái định hình cục diện thị trường thương mại điện tử Việt Nam”.
Trước đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã ước tính quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 đạt hơn 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước và vượt xa dự báo 22 tỷ USD của Google, Temasek và Bain & Company.
Dù số lượng cửa hàng có phát sinh đơn hàng giảm hơn 165.000 so với năm 2023, doanh số toàn thị trường vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực ở mức 37,36%. Theo các chuyên gia, sự sụt giảm này phản ánh quá trình sàng lọc tự nhiên: các nhà bán lẻ nhỏ, thiếu chiến lược kinh doanh hiệu quả, dần bị loại bỏ, trong khi những cửa hàng lớn với định hướng rõ ràng vẫn giữ vững sức cạnh tranh và tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Cùng lúc đó, sự xuất hiện của khoảng 31.500 nhà bán nước ngoài đã gia tăng áp lực lên các cửa hàng nội địa, tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Điều này đặc biệt rõ ràng khi các sàn thương mại điện tử quốc tế không ngừng mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Theo báo cáo, sự gia tăng của hàng nhập khẩu và sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện năng lực cạnh tranh.
Dự báo năm 2025, doanh số thị trường thương mại điện tử có thể đạt 387.500 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2024. Sản lượng ước tính sẽ đạt 4,2 triệu sản phẩm, tương ứng với mức tăng trưởng 23%.