Người phụ nữ Việt sở hữu 24 bằng sáng chế được tập đoàn điện tử hàng đầu tại Mỹ về làm Phó Chủ tịch: ‘Có 10 bằng tiến sĩ cũng không thể thay thế được 5 từ giản dị này’
(Thị trường tài chính) - Bà được biết đến là người gốc Á đầu tiên và là người phụ nữ duy nhất được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Kỹ thuật của Texas Instruments trong 9 thập kỷ qua.
Người phụ nữ Việt làm nên kỳ tích trên đất Mỹ
Bà Lê Duy Loan sinh năm 1954 tại Nha Trang (Khánh Hòa) là một tấm gương xuất sắc về thành công trong lĩnh vực công nghệ. Bà tốt nghiệp thủ khoa trường trung học Alief Hastings ở Texas, Hoa Kỳ, sau đó đạt danh hiệu kỹ sư điện hạng danh dự từ Đại học Texas tại Austin. Bà cũng có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Đại học Houston.
Với sự nghiệp tại Texas Instruments (TI), bà trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên và là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử hơn 90 năm của TI được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Kỹ thuật. Bà đã lãnh đạo quá trình phát triển và sản xuất bộ nhớ trị giá 2 tỉ USD của TI với các đối tác liên doanh, đồng thời phụ trách nghiên cứu và phát triển toàn cầu, vận hành sản xuất nội bộ và xưởng đúc. Bà cũng giám sát mảng kinh doanh trị giá 5 tỉ USD của TI.
Sau 35 năm cống hiến, bà Lê Duy Loan nghỉ hưu và hiện là thành viên hội đồng quản trị của nhiều công ty như Cirrus Logic, Wolfspeed, Atomera và Brainchip. Năm 2019, bà được Hiệp hội Giám đốc Công ty Quốc gia (NACD) vinh danh là một trong những giám đốc có tầm ảnh hưởng nhất và năm 2021, bà được ghi tên vào "Danh sách 100 nhà lãnh đạo hàng đầu của NACD".
Bà Loan sở hữu 24 bằng sáng chế và là người giám sát phát triển bộ xử lý tín hiệu số nhanh nhất thế giới, được ghi nhận trong sách kỷ lục Guinness năm 2004. Bà cũng được vinh danh trong Đại sảnh Danh vọng của Tổ chức Phụ nữ trong Công nghệ Quốc tế (WITI) và Đại sảnh Danh vọng châu Á, cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.
Trong suốt 25 năm qua, bà đã tham gia sáng lập bốn tổ chức phi lợi nhuận, tập trung vào giáo dục và STEM. Hiện bà vẫn gắn bó với Quỹ Mona và Sunflower Mission, đồng thời là thành viên danh dự của Ban cố vấn Hội danh dự Khoa học Quốc gia. Bà Loan cũng thường xuyên được mời thuyết trình tại các trường đại học danh tiếng và các công ty thuộc danh sách Fortune 500.
5 chữ giản dị quý hơn cả 10 bằng tiến sĩ
Ngày 20/10 vừa qua, bà Lê Duy Loan đã được mời làm diễn giả tại Lễ Khai khóa năm 2024 của ĐH Quốc gia TP.HCM với chủ đề "Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước". Tại buổi lễ, bà Loan chia sẻ nhiều bài học quý giá từ những trải nghiệm cá nhân mà bà đã tích lũy qua nhiều năm.
Bà Lê Duy Loan nhấn mạnh rằng, để thành công, mỗi người cần có đủ các yếu tố: tri thức, đạo đức, văn hóa và kỹ năng mềm. Theo bà, một người dù có tài năng và đức hạnh, nhưng thiếu kỹ năng mềm sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập vào môi trường làm việc tại các tập đoàn lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật.
Bà Loan cũng kể lại hành trình của mình: từ việc sang Mỹ khi mới 12 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa trung học tại Alief Hastings, Texas, đến khi đạt danh hiệu kỹ sư điện hạng danh dự tại University of Texas at Austin và làm việc tại Tập đoàn Texas Instruments. Qua đó, bà đúc kết rằng tất cả kỹ năng mềm cần thiết đều xoay quanh 5 chữ: "nhân - lễ - nghĩa - trí - tín".
Bà chia sẻ: "Đừng vì quyền lực mà quên đi chữ nhân. Đừng để địa vị làm bạn quên chữ lễ. Đừng vì phú quý mà quên chữ nghĩa. Cũng đừng hồ đồ mà quên chữ trí và đặc biệt, đừng để tham vọng cuốn đi chữ tín. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù có 10 bằng tiến sĩ, bạn cũng không thể thay thế 5 từ giản dị này".
Bà Lê Duy Loan khuyến khích sinh viên hãy tự định nghĩa thành công cho bản thân mình, thay vì để người khác, gia đình hay xã hội áp đặt. Bà cho rằng, sinh viên Việt Nam đã có cơ hội học tập hơn rất nhiều người trên thế giới và để đạt được thành công, mỗi cá nhân cần xác định rõ mục tiêu của mình.
Bà Loan chia sẻ, khi mới sang Mỹ, bà vừa đi học ban ngày vừa đi làm ban đêm và còn phải chăm sóc em út. Dù cuộc sống vất vả, nhưng khác với nhiều người, bà luôn đặt ra cho mình những hoài bão lớn, thậm chí đôi khi là những giấc mơ dường như viển vông. Theo bà, dù là giấc mơ nào, hai yếu tố quan trọng nhất vẫn là trí tuệ và sức khỏe.
Bà tỏ ra lo lắng trước thực trạng ngày nay nhiều bạn trẻ bị cuốn hút bởi các video ngắn hấp dẫn trên TikTok, dành nhiều thời gian để khao khát lượt like trên mạng xã hội. Các em thường giao tiếp qua điện thoại mà chẳng cần rời khỏi phòng mình, đến mức tối ngủ cũng không còn ôm gối, mà ôm điện thoại.
Một lối sống như vậy dễ khiến cơ thể mệt mỏi, suy yếu và tinh thần trở nên bi quan. Quan trọng hơn, điều này dần hình thành một tư duy bị động, thiếu sức sống. Khi thiếu năng lượng và động lực, các bạn trẻ sẽ rất khó để theo đuổi đam mê của mình.
Bà Loan khuyên rằng, thay vì ngồi chờ like trên Facebook, các bạn trẻ nên dành thời gian cho các hoạt động thể thao để cơ thể khỏe mạnh, đi dạo cùng bạn bè để tinh thần được phấn chấn và tiếp xúc với nhiều người để mở rộng tư duy, tầm nhìn.
Nguồn: Tổng hợp