Người đàn ông nhà nghèo khởi nghiệp với 1 tờ giấy trở thành 'doanh nhân quốc dân', tỷ phú đứng đầu 1 ngành hàng
(Thị trường tài chính) -Đây được xem là tấm gương nghèo vượt khó, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên.
Theo Sohu, Đặng Anh Trung là một trong những doanh nhân nổi tiếng, quen thuộc với người dân Trung Quốc. Đây được xem là tấm gương nghèo vượt khó, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên.
Đặng Anh Trung không tham gia vào các ngành kinh tế "siêu lợi nhuận" như ô tô, bất động sản... mà đầu tư vào ngành giấy. Quyết định này đã giúp ông thành công, trở thành "doanh nhân quốc dân". Thậm chí, có nhiều người còn đồn đoán doanh nhân họ Đặng là người giàu nhất Trung Sơn.
Đặng Anh Trung - "Thiếu gia cao quý" sinh nhầm thời
Cha mẹ của Đặng Anh Trung đều sinh ra trong những gia đình giàu có, là Hoa kiều sống ở Mỹ. Cả hai được khen ngợi là "trai tài gái sắc", "môn đăng hộ đối". Những tưởng với gia thế này, Đặng Anh Trung sẽ là thiếu gia "ngậm thìa bạc". Tuy nhiên, số phận dường như trêu đùa tất cả. Năm 1951, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến khiến kinh tế khó khăn.
Đặng Anh Trung là con thứ ba trong gia đình. Thời điểm đó, cha mẹ anh phải làm việc rất vất vả để nuôi sống cả gia đình. Bố anh là kỹ thuật viên ở trang trại. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng mọi người trong gia đình rất đoàn kết, luôn yêu thương và động viên nhau.
Năm Đặng Anh Trung lên 7 tuổi, cha ông qua đời vì bệnh tật. Gia đình không còn trụ cột, gánh nặng nuôi ba đứa con nhỏ đổ lên vai người mẹ khiến cuộc sống đã khó khăn nay càng trở nên tồi tệ.
Con đường khởi nghiệp gập ghềnh
Thời thơ ấu khó khăn chính là một trong những lý do khiến Đặng Anh Trung có thêm động lực để vươn lên, thay đổi số phận. Tuy nhiên, không có con đường nào là dễ dàng.
Mặc dù nghèo khó, nhưng thời điểm cải cách mở cửa, nhiều người nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Đặng Anh Trung cũng vậy, ông chạy vạy khắp làng và vay được 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng theo tỷ giá hiện nay) và ký hợp đồng với một nhà máy giấy đang đứng trước nguy cơ phá sản vào năm 1979.
Vốn là người nhạy bén, ông có chiến lược tiếp thị, điều hành kinh doanh và thu hút đầu tư vô cùng hấp dẫn. Ông cũng không nề hà công việc gì, luôn sẵn sàng làm từ việc nhỏ nhất. Nhờ chăm chỉ và không ngừng nỗ lực, chỉ sau một năm, nhà máy giấy đã hoàn toàn thay đổi. Không chỉ doanh thu tăng lên đáng kể mà số lượng công nhân cũng tăng gấp đôi.
Những tưởng mọi thứ đã êm xuôi thì biến cố ập đến, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn ước mơ của công nhân và Đặng Anh Trung. Hôm đó, ông đưa tất cả nhân viên ra ngoài ăn mừng việc kinh doanh thuận lợi. Mọi người vui vẻ trong bữa tiệc, nhưng nửa đêm, một người phát hiện nhà máy bị cháy.
Đặng Anh Trung vội vàng đến công ty và bất lực khi thấy ngọn lửa ngùn ngụt, cả nhà máy chìm trong biển lửa. Khi đám cháy được dập tắt, nhà xưởng chỉ còn lại khung sườn, thành phẩm và nguyên liệu đều bị thiêu rụi. Đặng Anh Trung nhìn đống đổ nát trước mắt, tâm trạng như rơi xuống đáy vực sâu.
Dù rất buồn nhưng Đặng Anh Trung phải nhanh chóng điều chỉnh lại tâm lý. Ông không thể nhìn công sức của mọi người trong một năm qua bị bỏ phí chỉ vì một trận hỏa hoạn. Hơn nữa, nhà máy còn rất nhiều đơn hàng phải hoàn thành.
Đặng Anh Trung đã động viên nhân viên cùng nhau vực dậy. Trong vòng nửa tháng, nhà xưởng đã được khôi phục lại hình dáng ban đầu. Người dân trong làng đều ngạc nhiên về điều này và nói rằng Đặng Anh Trung giống như đang quay một bộ phim. Nhiều khách hàng biết được tình hình và quyết định kéo dài thời hạn giao hàng vì tin vào tính cách của ông. Nhờ thế, Đặng Anh Trung đã sớm trở lại, khôi phục nhà máy giấy trở lại sức sống ban đầu.
Lúc này, Đặng Anh Trung là một triệu phú nổi tiếng ở địa phương. Sau đó, ông chuyển từ sản xuất giấy công nghiệp sang giấy gia dụng.
"Vua khăn giấy" đích thực
Việc chuyển từ sản xuất giấy công nghiệp sang giấy gia dụng là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của Đặng Anh Trung. Ông đích thân chọn địa điểm tại một ngôi làng nhỏ ở thành phố Trung Sơn. Ông chính thức đặt tên cho công ty là Trung Sơn và sản phẩm là Jierou. Không có máy móc sản xuất nhập khẩu, ông ăn và sống trong nhà máy, đích thân tham gia nghiên cứu và sản xuất.
Sự chăm chỉ của ông đã được đền đáp xứng đáng. Sau hàng chục năm làm việc không ngừng nghỉ, Đặng Anh Trung đã đưa Jierou trở thành sản phẩm số một trong lĩnh vực khăn giấy. Ông cũng trở thành "người giàu nhất Trung Sơn".
Hiện nay, ông đã nghỉ hưu và gác lại công việc, dành thời gian cho gia đình. Ông tham gia khiêu vũ, tập thể dục, đi du lịch, khám phá ẩm thực...
Nhìn vào hành trình khởi nghiệp của Đặng Anh Trung, có rất nhiều điều mà giới trẻ hiện đại có thể học hỏi. Đó là nghị lực không lùi bước khi gặp thất bại hay triết lý kinh doanh có chiến lược. Đặng Anh Trung có thể coi là hình mẫu của thời đại, là "Vua khăn giấy".
Theo Baijiahao, trong Danh sách người giàu toàn cầu Hurun năm 2024, Đặng Anh Trung có trong bảng xếp hạng này với khối tài sản lên đến 7,2 tỷ NDT (hơn 25 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay).
Nguồn: Sohu