Làng trồng đào hàng trăm năm nằm dưới cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam tất bật chuẩn bị vụ Tết
(Thị trường tài chính) - Nổi tiếng nhờ thổ nhưỡng nằm ven sông Hồng, lại kế bên Tây Hồ lộng gió, nên đào ở đây có sắc thắm hơn cả.
Làng trồng đào nổi tiếng bậc nhất miền Bắc
Làng trồng đào Nhật Tân, nằm dưới chân cầu Nhật Tân thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, từ lâu đã nổi danh là vùng đất trồng đào truyền thống bậc nhất miền Bắc. Không chỉ là nguồn sinh kế chính, những cây đào Nhật Tân còn là sản phẩm OCOP 4 sao, niềm tự hào của người dân địa phương.
Làng đào Nhật Tân nằm dưới chân cầu Nhật Tân - cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
Sở dĩ đào Nhật Tân nổi tiếng là nhờ vào thổ nhưỡng màu mỡ ven sông Hồng và khí hậu trong lành của vùng Tây Hồ lộng gió. Những yếu tố này giúp hoa đào ở đây luôn rực rỡ sắc thắm, mang vẻ đẹp đặc trưng khó nơi nào sánh được.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, cả cánh đồng đào Nhật Tân bừng sáng với sắc hồng tươi thắm. Không khí tại làng đào trở nên nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán người mua, trong khi du khách khắp nơi đổ về thưởng lãm vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy của những cành đào chờ ngày khoe sắc.
Một số giống đào đã được tuốt lá, nuôi mắt, cho đào ra nụ để phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: PV
Năm nay, ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho làng đào. Một phần lớn diện tích trồng đào bị hư hỏng, làm giảm đáng kể sản lượng. Tuy nhiên, những cây đào còn lại đã được các nhà vườn chăm sóc kỹ lưỡng và hiện đang trong giai đoạn quan trọng để chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đào tuốt xong và lên lên chậu phải tưới thêm kích rễ, tùy theo đất ở chậu khô hay ẩm mà điều chỉnh lượng nước phù hợp, sau 60-70 ngày sẽ có hoa. Ảnh: PV
Ông Trần Tuấn Việt, chủ vườn đào Tuấn Việt (Nhật Tân, Tây Hồ) chia sẻ: “Cơn bão vừa rồi khiến đào bị gãy, hỏng rất nhiều. Các nhà vườn bị gãy vài chục, thậm chí là vài trăm cây.
Những cây đào bị gãy thì các nhà vườn đều phải trồng, uốn và cắt tỉa lại. Những cây may mắn không bị ảnh hưởng đã được chăm sóc, hiện giờ đang được lên chậu, tuốt lá để chuẩn bị bán ra thị trường trong dịp Tết sắp tới. Số lượng đào bị giảm sút mạnh nên năm nay chỉ đủ đáp ứng cho thị trường Hà Nội, một số nhóm hàng như đào cành sẽ bị thiếu hụt. Mọi năm, vườn đào Tuấn Việt cung cấp ra thị trường khoảng 600 cây thì năm nay giảm còn khoảng 350 cây.
Để giúp người dân vượt qua khó khăn, chính quyền địa phương và thành phố cũng đã có các biện pháp để hỗ trợ, động viên tinh thần các nhà vườn, đấy nay mọi thứ đã dần ổn định trở lại”.
Những cây đào được tuốt lá sớm đã có lộc non, có những nụ hoa sớm. Ảnh: PV
Hiện nay, làng Nhật Tân có diện tích trồng đào khoảng 57ha, với 700 hộ dân và hơn 1.200 xã viên gắn bó với nghề trồng đào truyền thống.
Thăng trầm của nghề trồng đào Nhật Tân
Làng Nhật Tân với lịch sử hàng trăm năm, từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hóa trồng đào ở Hà Nội. Dù nguồn gốc chính xác của làng đào này khó có thể xác minh, nhưng những câu chuyện dân gian vẫn còn lưu truyền, gắn liền với sự phát triển của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.
Làng Nhật Tân đã có lịch sử hàng trăm năm. Ảnh: PV
Tương truyền, từ thời Cao Biền, một nhành hoa đào đã được chọn làm dấu ấn giao mùa. Từ đó, thú chơi hoa đào trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Thăng Long, với màu hoa đỏ hồng nhẹ nhàng tượng trưng cho sự may mắn, sung túc và thịnh vượng trong năm mới.
"Tiếng thơm" về hoa đào Nhật Tân không ngừng vang xa. Ở miền Bắc, hiếm nơi nào có được sắc đào đẹp như vùng đất này. Những cánh hoa dày dặn, tươi thắm, tựa như được khắc họa tỉ mỉ bằng mực đỏ.
Trước đây, làng Nhật Tân chủ yếu trồng giống đào phai được mang về từ rừng núi. Sau này, giống đào bích được du nhập, làm phong phú thêm sắc hoa mỗi độ xuân về. Qua bao thăng trầm, vẻ đẹp và giá trị của hoa đào Nhật Tân vẫn được người dân trân quý, gìn giữ.
Lịch sử của làng đào Nhật Tân không thiếu những giai đoạn khó khăn. Năm 1954, nhiều vườn đào bị phá bỏ, người dân phải chuyển sang trồng rau và cây ăn quả để sinh sống. Trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất trồng đào bị thu hẹp dần bởi sự xuất hiện của những công trình bê tông và nhà cao tầng.
Để những vườn đào được nở đúng dịp, khoe sắc, người nông dân phải trải qua không ít khó khăn. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Không chỉ chịu ảnh hưởng của xã hội, nghề trồng đào còn phải đối mặt với những khó khăn đặc thù. Người trồng đào luôn "bán lưng cho đất, bán mặt cho trời," dành trọn tâm huyết để chăm sóc những cành đào nở rộ đúng dịp Tết.
Dẫu vậy, người dân Nhật Tân vẫn quyết tâm giữ gìn truyền thống trồng đào. Nghề trồng hoa đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống và văn hóa nơi đây.
Vượt qua những khó khăn và biến cố, những cành đào Nhật Tân hồng thắm vẫn tiếp tục nở rộ bên bãi bồi sông Hồng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Sự hiện diện của những vườn đào không chỉ là minh chứng cho sự gắn bó với nghề mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ và tinh thần gìn giữ truyền thống.