Láng giềng Việt Nam rút ngắn mục tiêu mang mẫu vật từ sao Hỏa về Trái Đất, có thể 'đánh bại' cả NASA
(Thị trường tài chính) - Với những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ vũ trụ, Trung Quốc đang đe dọa vị thế thống trị của NASA và ESA trong việc khám phá sao Hỏa.
Theo Live Science, Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành đơn vị đầu tiên đưa mẫu vật từ sao Hỏa về Trái Đất, với kế hoạch mang các mẫu đá và trầm tích từ hành tinh đỏ trở lại vào năm 2031. Trong một bài viết đăng trên tạp chí National Science Review, các nhà nghiên cứu đã trình bày kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Thiên Vấn 3. Đây là sứ mệnh sao Hỏa bao gồm hai tàu vũ trụ. Theo ông Jizhong Liu, trưởng thiết kế của Thiên Vấn 3, sứ mệnh này được dự kiến sẽ phóng vào năm 2028. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện thành công nhiệm vụ đầy tham vọng này.
Với mục tiêu mang về khoảng 600g mẫu vật đất đá từ sao Hỏa, sứ mệnh Thiên Vấn-3 hứa hẹn sẽ mở ra những cánh cửa mới cho nghiên cứu khoa học về hành tinh đỏ. Kế hoạch này bao gồm hai lần phóng tàu vũ trụ, sử dụng tên lửa Trường Chinh-5, nhằm thu thập mẫu vật và đưa chúng trở về Trái Đất. Sứ mệnh sẽ diễn ra thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên, tên lửa sẽ phóng tàu đổ bộ và phương tiện bay lên sao Hỏa. Sau đó, ở giai đoạn thứ hai, một tên lửa khác sẽ đưa tàu quỹ đạo và mô-đun chứa mẫu vật lên quỹ đạo để đón mẫu vật và đưa về Trái Đất.
Trung Quốc lên kế hoạch mang mẫu vật từ sao Hỏa về Trái Đất. Ảnh: Internet
Sứ mệnh này là một thử thách lớn đối với công nghệ vũ trụ. Tàu vũ trụ phải thực hiện một chuỗi các hoạt động phức tạp, bao gồm hạ cánh, lấy mẫu, cất cánh từ sao Hỏa, hội ngộ trên quỹ đạo và trở về Trái Đất. Mỗi giai đoạn đều đòi hỏi sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ tiên tiến và tính toán chính xác. Để bảo vệ môi trường của cả sao Hỏa và Trái Đất, sứ mệnh này sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế về khám phá không gian. Điều này giúp nhằm tránh ô nhiễm sinh học cho cả hai hành tinh.
Đây là nhiệm vụ quan trọng và có khá nhiều thách thức. Ảnh: Internet
Sau khi được phóng vào năm 2028, tàu Thiên Vấn 3 sẽ thực hiện chuyến hành trình kéo dài khoảng 7-11 tháng để đến sao Hỏa và thu thập mẫu vật. Dự kiến vào năm 2031, tàu sẽ trở về Trái Đất và mang theo những bí mật về hành tinh đỏ. Các nhà khoa học sẽ sử dụng các kỹ thuật phân tích hiện đại để khám phá thành phần hóa học của mẫu vật, tìm kiếm dấu vết của sự sống trong quá khứ và hé lộ những bí ẩn về sự hình thành của hệ Mặt Trời.
Với kế hoạch phóng vào năm 2028, sứ mệnh Thiên Vấn 3 có thể giúp Trung Quốc vượt lên trước NASA và ESA gần một thập kỷ trong cuộc đua mang mẫu vật sao Hỏa về Trái Đất. Việc NASA và ESA phải lùi kế hoạch Mars Sample Return (MSR) đến thập niên 2030 càng làm rõ hơn lợi thế của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Theo lịch trình mới nhất, phải đến năm 2035, tàu đổ bộ MSR mới được phóng lên và việc mang mẫu vật trở về sẽ bị lùi đến ít nhất năm 2040.