Giáo sư 83 tuổi duy nhất giành giải đặc biệt tại VinFuture của ông Phạm Nhật Vượng, được xướng tên nhờ công trình phát triển tế bào điều trị ung thư
(Thị trường tài chính) - Cùng với những người cộng sự của mình, vị giáo sư 83 tuổi đã được vinh danh ở hạng mục Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới.
Tối ngày 6/12, lễ trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn cầu VinFuture 2024 đã diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Sự kiện này thu hút sự chú ý của giới khoa học trên toàn thế giới, với gần 1.500 dự án nghiên cứu được đề cử bởi hơn 9.000 đối tác đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với các năm trước, con số này tiếp tục tăng đáng kể, khẳng định sức hút và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của giải thưởng.
Tại lễ trao giải, Giải Đặc biệt dành cho các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới đã được trao cho ba giáo sư danh tiếng: GS Zelig Eshhar (Israel), GS Carl H. June (Mỹ) và GS Michel Sadelain (Mỹ). Họ được vinh danh vì những đóng góp đột phá trong việc phát triển liệu pháp tế bào CAR-T, mang lại hy vọng sống cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư trên toàn cầu.
Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới được trao cho các tác giả công trình phát triển liệu pháp tế bào CAR-T để điều trị ung thư và các bệnh khác. Ảnh: Fanpage VinFuture Prize
Bà Sharon Eshhar, con gái GS Zelig Eshhar, nhận giải thưởng thay cha mình. Ảnh: Fanpage VinFuture Prize
Vì lý do sức khỏe, GS Zelig Eshhar không thể trực tiếp đến nhận giải. Thay mặt ông, bà Sharon Eshhar, con gái của giáo sư, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trong bài phát biểu xúc động: “Các công trình nghiên cứu khoa học luôn là niềm đam mê lớn nhất của cha tôi. Với những hy sinh mà cha tôi đã trải qua, nếu được lựa chọn lại, ông vẫn luôn sẵn sàng. Tôi xin cảm ơn những người đồng nghiệp đã hỗ trợ cha tôi. Nghiên cứu phát triển liệu pháp tế bào CAR-T đã đóng góp cho việc chữa trị bệnh ung thư và cứu sống mọi người trên thế giới. Với cha tôi, cứu một người có nghĩa là cứu cả thế giới”.
Sinh năm 1941, Giáo sư Zelig Eshhar là một nhà miễn dịch học xuất sắc đến từ Israel, hiện làm việc tại Viện Khoa học Weizmann và Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky. Trong sự nghiệp của mình, ông từng hai lần đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Khoa Miễn dịch học tại Viện Weizmann vào những năm 1990 và 2000, khẳng định vai trò lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu y học.
Giáo sư Eshhar được biết đến với công trình đột phá về thụ thể kháng nguyên khảm (CAR), tạo nền tảng cho sự phát triển của liệu pháp miễn dịch ung thư hiện đại. Nghiên cứu của ông tập trung vào tế bào T - một loại tế bào bạch cầu quan trọng trong hệ miễn dịch, với khả năng nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Giáo sư Zelig Eshhar. Ảnh: Weizmann Institute of Science
Công trình của ông đã mở ra một hướng đi mới trong y học, khi tế bào lympho T được chiết xuất từ bệnh nhân ung thư, biến đổi gen để gắn thêm thụ thể CAR, và sau đó được tiêm trở lại cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả. Quy trình này, được gọi là "chuyển tế bào nuôi cấy", đã tạo ra những kết quả đáng kinh ngạc trong các thử nghiệm lâm sàng từ giữa thập niên 2010, thu hút hàng triệu đô la đầu tư vào lĩnh vực này.
Những đóng góp của GS Eshhar đã được công nhận rộng rãi thông qua hàng loạt giải thưởng danh giá. Năm 2013, ông nhận Giải thưởng CAR Pioneering từ ATTACK European Consortium và Giải Thành tựu Xuất sắc của Hiệp hội Liệu pháp Gen và Tế bào Châu Âu. Năm 2014, ông chia sẻ Giải thưởng Massry cùng Steven Rosenberg và James P. Allison, đồng thời nhận Giải thưởng Pioneer cùng Carl H. June. Thành tựu của ông tiếp tục được vinh danh với Giải thưởng Khoa học Sự sống Israel năm 2015, Giải thưởng William B. Coley của Viện Nghiên cứu Ung thư năm 2019 và Giải thưởng Dan David năm 2021.
Gần đây nhất, vào tháng 4/2024, GS Eshhar được trao Giải thưởng Quốc tế Gairdner của Canada vì những đóng góp to lớn cho sự phát triển và ứng dụng liệu pháp tế bào T CD19-CAR trong điều trị ung thư.
Trong suốt sự nghiệp, GS Eshhar đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá với những đóng góp của ông dành cho lĩnh vực nghiên cứu liệu pháp điều trị ung thư và các bệnh khác. Ảnh: Weizmann USA
Ung thư là gánh nặng toàn cầu với hơn 19 triệu ca mắc mới mỗi năm và 10 triệu ca tử vong. WHO dự báo, đến năm 2050, con số này sẽ tăng gần gấp đôi, gây tổn thất hơn 25 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, liệu pháp CAR-T ra đời như một bước ngoặt y học, mang lại hy vọng sống cho những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị truyền thống.
Tế bào CAR-T được tạo ra bằng cách thu thập tế bào T từ máu bệnh nhân, sau đó sửa đổi gen để gắn thêm thụ thể CAR, giúp nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Tế bào CAR-T sau đó được tiêm trở lại cơ thể, cho tỷ lệ đáp ứng điều trị ấn tượng từ 60-90%, giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm.
Không chỉ là phương pháp điều trị ung thư, liệu pháp CAR-T còn thúc đẩy những đổi mới trong lĩnh vực y học cá nhân hóa và sản xuất dược phẩm sinh học, góp phần xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn. Giáo sư Michel Sadelain, đồng chủ nhân giải thưởng này, cũng chia sẻ: "Công trình này giúp chúng tôi điều chỉnh tế bào T, tiêu hủy các tế bào ung thư, chữa các bệnh ung thư máu và 1 số dạng bệnh khác". Ông cho biết việc sử dụng Car-T không chỉ giúp ích cho chữa bệnh ung thư và còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác và liên quan đến cấy ghép.