HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Giải mật vệ tinh do thám, lộ diện thị trấn ma 1.400 tuổi, xác định là một chiến trường đã mất

Hải Châu

(Thị trường tài chính) - Ảnh chụp từ vệ tinh do thám KH-9 (Hexagon) của Mỹ vào năm 1973 đã hé lộ dấu tích của một thị trấn “ma” có niên đại lên đến 1.400 năm tại Iran.

Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Antiquity, các bức ảnh chụp từ vệ tinh do thám của Mỹ năm 1973 đã hé lộ tàn tích của một khu định cư cổ xưa 1.400 năm tuổi, nằm trong lãnh thổ Iran ngày nay.

Khi so sánh với các tài liệu lịch sử, các nhà khoa học đã phát hiện một mảnh ghép quan trọng giúp tái hiện lịch sử Trung Đông.

Giải mật vệ tinh do thám, lộ diện thị trấn ma 1.400 tuổi, xác định là một chiến trường đã mất - ảnh 1

Các nhà khoa học đã phát hiện một mảnh ghép quan trọng giúp tái hiện lịch sử Trung Đông. Ảnh minh họa

Theo Live Science, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ William Deadman, nhà khảo cổ học tại Đại học Durham (Anh), dẫn đầu đã giải mã dữ liệu từ vệ tinh KH-9 để phục vụ việc khảo sát tuyến đường hành hương cổ Darb Zubaydah. Đây là một trong bảy tuyến đường hành hương quan trọng nhất trên bán đảo Ả Rập thời cổ đại, hiện đang được Ả Rập Saudi và Iraq đề cử vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.

Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tình cờ phát hiện tàn tích của một thị trấn ma bị lãng quên suốt nhiều thế kỷ. Những phân tích sau đó xác định nơi đây chính là chiến trường đã mất của trận al-Qadisiyyah, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử khu vực.

Trận al-Qadisiyyah, diễn ra vào năm 636 hoặc 637 sau Công nguyên, là cuộc đối đầu giữa quân đội Hồi giáo Ả Rập và Đế chế Sasanid. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử, giúp quân Hồi giáo giành thắng lợi quyết định, mở đầu cho quá trình chinh phục Ba Tư.

Giải mật vệ tinh do thám, lộ diện thị trấn ma 1.400 tuổi, xác định là một chiến trường đã mất - ảnh 2

Bức ảnh vệ tinh hơn nửa thế kỷ trước đã tiết lộ một thị trấn ma thuộc địa phận Iran ngày nay. Ảnh: USGS

Những khám phá thực địa tại thị trấn ma này đã làm sáng tỏ chi tiết về chiến trường, bao gồm một bức tường dài gần 10km và hệ thống hào nước ở phía Bắc. Các cấu trúc này trùng khớp với các mô tả trong tài liệu lịch sử, xác nhận vị trí chính xác của trận đánh.

TS. William Deadman cho rằng phát hiện này không chỉ xác định vị trí địa lý của trận al-Qadisiyyah mà còn làm sáng tỏ bối cảnh lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình mở rộng đạo Hồi sang các khu vực như Iraq và Iran.

Việc phát hiện tàn tích của thị trấn ma không chỉ là thành tựu to lớn đối với ngành khảo cổ học mà còn góp phần tái hiện một phần lịch sử quan trọng của Trung Đông. Đồng thời, nó mở ra cơ hội mới để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cổ đại, đưa những câu chuyện của quá khứ sống lại trong hiện tại.