Đường hầm dẫn nước xuyên núi dài nhất Việt Nam, thuộc hệ thống nhà máy thủy điện 9.500 tỷ đồng
(Thị trường tài chính) -Đường hầm này nằm sâu trong lòng núi với nhiều tầng địa chất, đứt gãy phức tạp, lượng nước ngầm rất lớn nên thi công rất khó khăn.
Ẩn mình giữa những dãy núi hùng vĩ của Tây Nguyên, Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum được đánh giá là một điểm sáng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam. Công trình được xây dựng tại sông Đăk Nghé (thuộc hệ thống sông Sê San), huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Tuyến áp lực của nhà máy nằm trên địa bàn hai xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) và Măng Cành (huyện Kon Plông). Cửa nhận nước thuộc xã Đăk Tăng, còn nhà máy chính đặt tại xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông.
Công trình Thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: TTXVN
Theo Báo Xây Dựng, Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum là công trình thủy điện cấp I. Dung tích hồ chứa 145,52 triệu m3. Nhà máy thủy điện sử dụng tuabin Gáo (Pelton). Hai tổ máy với công suất 220MW (2 x 110MW).
Đập dâng chính có kết cấu đất đá hỗn hợp (thân đập được đắp bằng đất, đá khai thác từ mỏ và tận dụng từ hố móng các hạng mục công trình); cao trình đỉnh đập 1.164m so với mực nước biển. Chiều cao lớn nhất đập là 77,6m; chiều dài theo đỉnh là 279m; chiều rộng đỉnh đập 10m; chiều rộng đáy đập lớn nhất 367m. Dự án được khởi công vào 9/2009 và hoàn thành vào 5/2022.
Tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum hòa lưới điện Quốc gia thành công vào lúc 14h55 ngày 24/3/2021. Ảnh: TTXVN
Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum có tổng vốn đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng. Nhiệm vụ chính là khai thác thủy năng sông Đăk Nghé để cung cấp điện năng lên lưới điện Quốc gia với công suất lắp máy là 220MW. Điện năng công suất đảm bảo 90,76 MW, điện lượng trung bình năm 814 triệu kWh.
Ngoài ra, công trình còn bổ sung nguồn nước ổn định cho sông Trà Khúc tỉnh Quảng Ngãi phục vụ nhu cầu dân sinh, nông nghiệp và công nghiệp ở hạ du. Đấu nối với trạm biến áp 220kV Quảng Ngãi bằng đường dây 220kV mạch kép ACSR-400.
Nhà máy này không chỉ cung cấp năng lượng cho vùng lân cận mà còn đóng góp vào việc quản lý nguồn nước và phát triển kinh tế địa phương.
Từ khi chính thức đi vào hoạt động, dự án đã trở thành nhà máy thủy điện có đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam.
Đường hầm dẫn nước tại Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: Xây dựng 47
Theo Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, tuyến năng lượng của dự án có độ dài khoảng 17km, trong đó 5km là hình móng ngựa (5 x 6m), còn lại 12km là hình tròn, đường kính 4,5m nằm sâu trong lòng núi với nhiều tầng địa chất, đứt gãy phức tạp, lượng nước ngầm rất lớn nên thi công rất khó khăn, nhất là mũi thi công đào bằng thủ công từ trên xuống từ phía cửa nhận nước.
Các nhà thầu đã cố gắng vượt qua những khó khăn thách thức, khắc nghiệt do địa hình địa chất phức tạp và yêu cầu nghiêm ngặt về mặt kỹ thuật, an toàn lao động… thi công vượt tiến độ thông hầm đề ra.
Khu vực thác Rô Sia (xã Đăk Tăng) nơi đầu nguồn của lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: Báo Kon Tum
Việc tích trữ nước của dự án đã tạo nên hồ thủy điện Thượng Kon Tum, một hồ nước bán nhân tạo tuyệt đẹp. Hồ có những hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô giữa làn nước trong xanh, thu hút du khách đến khám phá. Đặc biệt, dòng chảy của hồ khá độc đáo khi chảy ngược về hướng Bắc, do được tiếp nước từ sông Đắk Bla – một trong số ít dòng sông ở Tây Nguyên có dòng chảy ngược.
Lòng hồ bao quanh bởi màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Ảnh: Báo Kon Tum
Hồ còn là nơi cung cấp nguồn thủy sản phong phú, bao gồm cá tự nhiên và cá nuôi của người dân địa phương. Du khách có thể trải nghiệm câu cá, đánh bắt thủy sản cùng người dân, sau đó chế biến và thưởng thức các món ăn đậm chất bản địa.