Dự báo 3 ngành học mới được săn đón trong tương lai, cơ hội việc làm dồi dào ‘cung không đủ cầu’: Mức lương cao nhất lên tới 1,5 tỷ đồng/năm
(Thị trường tài chính) - Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển quốc gia, nhiều trường đại học đã tiên phong giới thiệu các ngành học mới, hứa hẹn mang lại cơ hội việc làm hấp dẫn cùng mức thu nhập hấp dẫn.
Xu hướng mở rộng chương trình đào tạo với những ngành học độc đáo đang thu hút sự chú ý từ cả xã hội và người học. Dưới đây là 3 ngành học được dự đoán sẽ "bùng nổ" trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao và mang lại mức thu nhập "khủng" cho người lao động.
Ngành Lập trình game
Hiện nay, ngành Lập trình game chỉ được một số ít trường đại học tại Việt Nam triển khai chương trình đào tạo, trong khi nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này lại rất lớn.
Ngành Lập trình game chỉ được một số ít trường đại học tại Việt Nam triển khai chương trình đào tạo. Ảnh: FPT
Theo Báo Lao Động, TS Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cho biết, mức lương khởi điểm dành cho các vị trí thiết kế và phát triển game dao động từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng, phụ thuộc vào năng lực của mỗi cá nhân.
Đặc biệt, với nhân sự có từ 2 đến 3 năm kinh nghiệm, mức lương có sự phân hóa rõ rệt và có thể đạt đến 50 triệu đồng/tháng. Đây là con số hấp dẫn cho những ai đam mê và có ý định gắn bó lâu dài với ngành học này.
Nếu yêu thích lập trình game, bạn có thể tìm hiểu và đăng ký học tại một số trường đại học uy tín như: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học RMIT, Đại học Anh Quốc Việt Nam và Đại học Lương Thế Vinh.
Ngành Thiết kế vi mạch
Trong ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực thiết kế vi mạch đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 10.000 kỹ sư cho ngành này, nhưng nguồn nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng chưa đến 20%. Riêng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, nhu cầu nhân lực khoảng 1.000 người mỗi năm.
Ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực thiết kế vi mạch đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Ảnh: UIT
Khảo sát từ Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) cho thấy mức thu nhập của kỹ sư thiết kế vi mạch có sự khác biệt đáng kể dựa trên kinh nghiệm làm việc. Những kỹ sư mới ra trường nhận mức lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Với 1-3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động từ 15-30 triệu đồng/tháng. Sau 6 năm làm việc, mức lương có thể đạt từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, các kỹ sư có trên 10 năm kinh nghiệm thậm chí có thể nhận mức thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Điểm đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp hiện nay chủ động tiếp cận sinh viên ngành thiết kế vi mạch từ rất sớm, ngay từ năm thứ hai hoặc thứ ba đại học, thông qua các chương trình thực tập, công việc bán thời gian và học bổng. Điều này giúp sinh viên có cơ hội làm quen với môi trường làm việc thực tế và gia tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Nếu bạn quan tâm đến ngành học đầy tiềm năng này, một số trường đại học đang cung cấp chương trình đào tạo về thiết kế vi mạch như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng).
Ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh
Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh là một ngành học mới tại Việt Nam, đang dần khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Điểm hấp dẫn của ngành này nằm ở bốn yếu tố chính: Tính độc đáo, hiện đại, khả năng hội nhập quốc tế cao và trải nghiệm thực tế đa dạng. Đây là lựa chọn phù hợp cho những bạn trẻ yêu thích khám phá, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.
Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh là một ngành học mới tại Việt Nam dần khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Ảnh: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh có thể đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác nhau. Bạn có thể làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, công ty đa quốc gia chuyên ứng dụng dữ liệu không gian, hoặc các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ, Sở liên quan đến khoa học và môi trường. Ngoài ra, những đơn vị quốc phòng và an ninh cũng rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác và ứng dụng dữ liệu vệ tinh vào thực tế.
Mức thu nhập trong ngành này cũng là một yếu tố đáng chú ý. Sinh viên mới ra trường thường nhận mức lương từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Khi đảm nhận các vị trí quản lý hoặc chuyên gia, mức thu nhập có thể lên đến 30 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn. Đặc biệt, tại Mỹ, một nhà khoa học vũ trụ có thể đạt thu nhập trung bình hơn 100.000 USD/năm, tương đương khoảng 2,4 tỷ đồng.
Nếu bạn muốn theo đuổi ngành học này, có thể tham khảo thông tin tuyển sinh tại các trường đại học hàng đầu như: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Việt Pháp, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Đại học Bách khoa Hà Nội,...
** Tổng hợp