Dự án sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ ‘đón’ đường băng thứ 2 vào năm tới
(Thị trường tài chính) - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương hoàn thành thủ tục để khởi công đường cất hạ cánh thứ 2 của Sân bay Long Thành vào đầu năm 2025.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần
Theo báo Chính phủ, tong cuộc họp về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục và hồ sơ cần thiết trong tháng 12/2024, đảm bảo khởi công đường băng thứ 2 vào ngày 1/1/2025 mà không để xảy ra bất kỳ sự chậm trễ nào.
Khẩn trương hoàn thành thủ tục để khởi công đường cất hạ cánh thứ 2 của Sân bay Long Thành vào đầu năm 2025. Ảnh minh họa
Thủ tướng khẳng định rằng, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Dù giai đoạn đầu gặp phải không ít khó khăn, dự án hiện đã đạt được nhiều tiến triển quan trọng về tiến độ và chất lượng thi công.
Tuy nhiên, dù đã đạt được một số thành tựu, Thủ tướng cũng chỉ ra các tồn tại và vướng mắc cần được giải quyết khẩn trương. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc hoàn thành nhiệm vụ, xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh và đặc biệt phải báo cáo ngay các vấn đề vượt quá thẩm quyền để đảm bảo dự án được hoàn thành đúng tiến độ.
Đối với các dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo và xử lý các vướng mắc trước ngày 10/12/2024. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cần hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến sân bay và đường cao tốc, đảm bảo các khu vực này sẽ sẵn sàng cho việc khai thác vào tháng 12/2024.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhận được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Ảnh: Internet
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án kết nối giao thông giữa sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành bằng các tuyến đường sắt hoặc tàu điện ngầm, ưu tiên lựa chọn tuyến kết nối nhanh nhất, ngắn nhất và hiệu quả nhất. Kết quả nghiên cứu sẽ được báo cáo trong quý I/2025.
Quy mô lên tới 5.000ha với vốn đầu tư “khủng”
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô rộng lớn lên tới 5.000ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn một của dự án bao gồm hai đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách, có công suất phục vụ lên đến 25 triệu hành khách mỗi năm. Mặc dù ban đầu dự án chỉ dự tính xây dựng một đường băng, việc bổ sung đường băng thứ hai ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp sân bay có thể khai thác đồng thời hai đường băng ngay khi đi vào hoạt động, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào sân bay Tân Sơn Nhất trong các tình huống khẩn cấp.
Công trình đường băng thứ nhất sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Internet
Theo kế hoạch, giai đoạn đầu của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026, thay vì 2025 như kế hoạch ban đầu, do những ảnh hưởng từ dịch bệnh và quá trình đấu thầu kéo dài.
Các cơ quan như UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Nai và VEC cần nhanh chóng triển khai các tuyến đường và nút giao thông kết nối với sân bay Long Thành, đảm bảo đồng bộ với tiến độ khai thác của sân bay.
Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc hoàn thiện các dự án giao thông kết nối và xây dựng các tuyến đường xung quanh sân bay. Đặc biệt, cần chú trọng vào việc xây dựng các tuyến đường thẳng từ Hồ Tràm về sân bay Long Thành, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực này.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô rộng lớn lên tới 5.000ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Ảnh: VOV
Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành giai đoạn một của dự án sân bay Long Thành từ cuối năm 2025 sang cuối năm 2026, để đảm bảo tiến độ thi công và hoàn thiện các công trình phụ trợ một cách đồng bộ.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự án sân bay Long Thành giai đoạn một
Trước đó, vào chiều 30/11/2024, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự án sân bay Long Thành giai đoạn một, với mức độ tán thành đạt 100% từ các đại biểu tham dự.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang kiểm tra hiện trường dự án sân bay Long Thành. Ảnh: VGP
Theo nghị quyết, Quốc hội đã đồng ý triển khai giai đoạn một của dự án, bao gồm việc đầu tư xây dựng hai đường cất hạ cánh ở phía bắc và một nhà ga hành khách, cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ. Dự án dự kiến sẽ đạt công suất phục vụ 25 triệu hành khách mỗi năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn một dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2026, muộn nhất là ngày 31/12/2026. Chính phủ sẽ có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và điều chỉnh giai đoạn một của dự án mà không cần báo cáo lại Quốc hội.
Trong Tờ trình của Chính phủ vào đầu tháng 11/2024, khi trình duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành từ năm 2015, việc xác định nguồn vốn cho giai đoạn một gặp nhiều khó khăn. Do đó, Quốc hội quyết định chỉ đầu tư xây dựng một đường băng ở phía bắc sân bay trong giai đoạn đầu. Giai đoạn hai sẽ triển khai đường băng thứ hai ở phía nam và giai đoạn ba sẽ tiếp tục xây dựng đường băng số 3 ở phía bắc và đường băng số 4 ở phía nam.
Đây là lần thứ 5, Thủ tướng kiểm tra hiện trường dự án sân bay Long Thành, sau dịp Tết các năm 2022, 2023, 2024 và tháng 9/2024 - Ảnh: VGP
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhận thấy rằng việc xây dựng đường băng số 3 cách đường băng số 1 400m về phía bắc sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Từ đó, giúp sân bay có thể khai thác đồng thời hai đường băng ngay trong giai đoạn một, giảm thiểu sự phụ thuộc vào sân bay Tân Sơn Nhất trong trường hợp đường băng duy nhất gặp sự cố hoặc phải bảo dưỡng.
Chính phủ khẳng định rằng việc thi công thêm một đường băng sẽ không ảnh hưởng đến việc khai thác của đường băng số 1, nhờ vào việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật hợp lý. Nền đường băng số 3 đã được san gạt sẵn để đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động khai thác của đường băng số 1. Chi phí đầu tư cho đường băng số 3 dự kiến vào khoảng 3.300 tỷ đồng, không vượt quá tổng mức đầu tư ban đầu của dự án.