Đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới sẽ sản xuất điện đủ cho hơn 3 triệu hộ gia đình
(Thị trường tài chính) - Đảo này dự kiến sẽ được xây dựng từ năm 2024 đến 2027.
Theo thông tin trên Interesting Engineering, đảo Princess Elisabeth dự kiến sẽ sản xuất đủ điện gió ngoài khơi để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hơn 3 triệu hộ gia đình, đồng thời còn có khả năng xuất khẩu điện sang các quốc gia khác.
Cụ thể, ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) đã đồng ý cung cấp cho Elia Transmission Belgium (ETB), đơn vị vận hành hệ thống truyền tải điện cao thế của Bỉ, khoản kinh phí 702 triệu USD để xây dựng đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Theo thông tin từ ETB, hòn đảo này sẽ cung cấp công suất 3,5 GW điện gió ngoài khơi cho Bỉ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của quốc gia.
Đảo Princess Elisabeth sẽ sản xuất đủ điện gió ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu của hơn 3 triệu hộ gia đình và phục vụ xuất khẩu sang nước khác. (Ảnh: Elia Group)
Kinh phí này sẽ được sử dụng để thực hiện giai đoạn đầu tiên của dự án đảo Princess Elisabeth. ETB khẳng định rằng dự án này là rất cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Bỉ cũng như của toàn châu Âu, giúp cung cấp một lượng lớn điện gió từ Biển Bắc cho các trung tâm tiêu thụ trên đất liền. Lễ ký kết thỏa thuận diễn ra vào ngày 25/10 tại sân Caisson của đảo ở Vlissingen (NL).
Được biết, đảo Princess Elisabeth dự kiến sẽ được xây dựng từ năm 2024 đến 2027, cách bờ biển Bỉ khoảng 45 km. Dự án này sẽ tích hợp 3,5 GW điện gió ngoài khơi vào lưới điện quốc gia, đủ để cung cấp năng lượng cho hơn 3 triệu hộ dân. Hòn đảo này không chỉ giúp Bỉ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn hạ thấp chi phí sản xuất điện xanh. Hơn nữa, nó sẽ góp phần đáng kể vào việc giúp Liên minh châu Âu đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo và trung hòa carbon.
Đảo Princess Elisabeth sẽ trở thành đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới, được trang bị cả cơ sở hạ tầng điện cao thế một chiều (HVDC) và điện xoay chiều (HVAC). Hiện tại, thùng lặn đầu tiên của đảo đang được xây dựng tại Vlissingen (Hà Lan) và sẽ sớm được dìm xuống biển. Sau đó, thùng lặn này sẽ được đổ đầy cát để tạo thành nền móng vững chắc cho đảo.
Cơ sở hạ tầng điện cao thế được lắp đặt trên đảo sẽ đóng vai trò trung tâm cho các đường dây hợp mạng, kết nối Bỉ với Anh và nhiều quốc gia khác trong tương lai. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi điện giữa Bỉ và các nước láng giềng, đồng thời kết nối với nhiều trang trại điện gió lớn ở Biển Bắc.