Đại học có sinh viên tốt nghiệp với thu nhập thuộc nhóm cao nhất Việt Nam, là trường có tầm ảnh hưởng trên thế giới
(Thị trường tài chính) -Đại học Kinh tế Quốc dân (National Economics University – NEU) là đại học thứ 9 của Việt Nam.
Đại học thứ 9 của Việt Nam
Mới đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (National Economics University – NEU) được công nhận Đại học Kinh tế Quốc dân, là đại học thứ 9 của Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định vai trò và sự phát triển vượt bậc của trường trong hệ thống giáo dục đại học.
Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những trường lĩnh vực kinh tế hàng đầu Việt Nam. Đầu năm 2024, trường đã thành lập ba trường trực thuộc: Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ.
Hiện Đại học Kinh tế Quốc dân có khoảng 25.000 sinh viên chính quy và hơn 1.200 cán bộ, giảng viên. Số ngành đào tạo bậc đại học là 66, bậc Tiến sĩ là 28. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, trường đặt mục tiêu trở thành một trong 5 đại học hàng đầu Việt Nam.
Đặc biệt, trường đã khẳng định được chất lượng đào tạo. Trong Ngày Hội tư vấn tuyển sinh đại học chính quy - hướng nghiệp năm 2024, PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thông tin rằng đây là cơ sở giáo dục đại học có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và mức thu nhập sau 1 năm tốt nghiệp thuộc nhóm cao nhất cả nước. Các thế hệ sinh viên tốt nghiệp của trường có đóng góp quan trọng vào sự phát triển các ngành, lĩnh vực trên mọi miền của đất nước. Mạng lưới cựu sinh viên với nhiều doanh nhân hàng đầu, những cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ...
Mục tiêu vươn lên vị trí cao trong các bảng xếp hạng quốc tế
Được thành lập từ năm 1956, Đại học Kinh tế Quốc dân đã trải qua hơn 65 năm phát triển và khẳng định vị thế là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam.
Ngoài việc chú trọng công tác giảng dạy, trường còn đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu khoa học, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với đó, trường cũng hợp tác chặt chẽ với các đại học và viện nghiên cứu quốc tế, bao gồm các cơ sở giáo dục uy tín tại Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức... nhằm mở rộng cơ hội học hỏi và còn tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên giao lưu, học hỏi, nghiên cứu trong môi trường quốc tế.
Về cơ sở vật chất, Đại học Kinh tế Quốc dân đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên. Một trong những công trình tiêu biểu là khu giảng đường A2 với diện tích lên tới 96.000m2. Thiết kế của tòa nhà kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và phong cách Pháp, tạo ra không gian học tập tiện nghi và thoải mái. Tòa giảng đường có khu giảng đường lớn, thư viện, khối nhà hành chính với tổng số lên tới 147 phòng chức năng, 6 phòng hội thảo, 96 phòng làm việc, 17 thang máy và phải mất đến 13 năm mới hoàn thiện.
Một trong những thành tựu đáng chú ý của trường là vào năm 2023, Đại học Kinh tế Quốc dân đã được Times Higher Education (THE) xếp hạng trong danh sách các trường đại học có tầm ảnh hưởng toàn cầu (Impact Ranking). Xếp hạng này đánh giá sự thành công của các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Đại học Kinh tế Quốc dân đã vinh dự lọt vào nhóm 301-400, đứng đầu trong các trường đại học tại Việt Nam.
Trong giai đoạn phát triển từ 2021 - 2030, Đại học Kinh tế Quốc dân đặt mục tiêu trở thành một trong 5 đại học hàng đầu tại Việt Nam, với chiến lược tự chủ toàn diện và tiên phong trong chuyển đổi số. Đồng thời, trường cũng đặt ra mục tiêu tăng cường vị thế quốc tế, tiến tới việc có mặt trong các bảng xếp hạng đại học uy tín toàn cầu như Times Higher Education (THE) trong những năm tới.
Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong tại Việt Nam hoàn thành quy trình kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức FIBAA (Foundation for International Business Administration Accreditation). Trường đã đạt 100% tiêu chí yêu cầu và vượt qua mức chuẩn trong đánh giá của tổ chức này. Các tiêu chí kiểm định của FIBAA bao gồm chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, khả năng ứng dụng thực tiễn, chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ học tập và sự hỗ trợ sinh viên. Mỗi yếu tố này đều được FIBAA đánh giá vô cùng khắt khe nhằm thể hiện cam kết của trường đối với chất lượng giáo dục toàn diện.
Những thành tựu này không chỉ khẳng định sự phát triển bền vững của trường mà còn là nền tảng vững chắc để Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục vươn xa trên trường quốc tế trong những năm tới.