Cuối năm rồi, 'chốt sổ' xem bạn tiết kiệm được những gì?
(Thị trường tài chính) -Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2024 và bước sang năm mới 2025. Cùng xem năm qua bạn đã làm được những gì nhé!
Mai Hoa (sinh năm 1992) và chồng là Nguyễn Thịnh (sinh năm 1992) hiện đang sinh sống ở Nghệ An kể rằng vì ở quê, mức sống không cao nên hai vợ chồng tiết kiệm được một khoản nhất định.
Năm 2020, Hoa và Thịnh kết hôn. Thời điểm đó, cả hai có công việc và thu nhập ổn định. Cộng thêm các khoản tiền mừng cưới, tiền bố mẹ hai bên gia đình cho làm vốn mua được một mảnh đất đầu tiên. Hoa cũng thừa nhận vì ở quê nên giá đất không cao như ở phố, dưới 1 tỷ là có thể mua được.
Sau khi mua đất, cả hai tiếp tục tiết kiệm. Thu nhập trung bình của cả hai là 30 triệu/tháng, trừ các khoản chi tiêu còn tiết kiệm được 20 triệu/tháng. Khi giá đất tăng vọt, Hoa và Thịnh bàn nhau không mua đất nữa mà chuyển sang mua vàng. Thời điểm đó là năm 2023, giá vàng chưa có nhiều biến động như năm 2024. Đặc biệt, năm 2024, vì hoàn thành tốt công việc nên Hoa nhận được một khoản tiền thưởng khá lớn. Cô đầu tư hết vào vàng và mua được hơn 1 cây vàng.
Tính từ thời điểm kết hôn đến nay, Hoa và Thịnh đang có trong tay 1 mảnh đất và đầu tư vàng để tiết kiệm. Dù không nói rõ số vàng đang có nhưng Hoa chia sẻ rằng, sống ở quê không khí trong lành, thoải mái, chi phí sinh hoạt rẻ. Rau trồng được ở vườn, gà nuôi trong chuồng nên nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Vì thế, chi phí sống của hai người rất ít. Với mức thu nhập của cả hai, Hoa thoải mái chi tiêu và tiết kiệm mà không gặp áp lực tiền bạc.
Trong khi đó, Thiên Lương (sinh năm 2000), hiện đang là giáo viên, sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Lương tâm sự, năm 2023 và 2024 kinh tế khó khăn nên phải rất cố gắng làm việc mới trụ lại được ở thành phố lớn.
Từ Nghệ An ra Hà Nội làm việc nên cô phải thuê nhà và đi kèm rất nhiều chi phí sinh hoạt. Mức lương của Thiên Lương từ 10 - 12 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, Lương chia ra các khoản phí như 2 triệu tiền nhà và điện nước, khoảng 4 triệu tiền ăn, 2 triệu tiền mua sắm quần áo mỹ phẩm, 1 triệu cho bố mẹ... Sau khi trừ các khoản chi phí, năm 2024, Thiên Lương tiết kiệm được 40 triệu đồng. Cuối năm cô đưa hết tiền dành dụm mua được 6 chỉ vàng.
Thiên Lương chia sẻ thêm, dù mức thu nhập không cao nhưng cô cố gắng chi tiêu hợp lý, chia rõ các khoản cần chi. Sau khi nhận lương, cô để riêng các khoản cần chi, từ đó kiểm soát được tài chính. Ví dụ, mỗi tháng Lương để ra 2 triệu mua sắm quần áo, mỹ phẩm hoặc các sở thích khác như đi cà phê với bạn bè. Khi tiêu hết số tiền này mà chưa đến kỳ nhận lương tiếp theo, cô sẽ hạn chế những buổi gặp gỡ với bạn bè hoặc không mua sắm quần áo.
Ngoài ra, Lương cũng chăm chỉ nấu ăn ở nhà để tiết kiệm chi phí. Cô nàng nói rằng đồ ăn ngoài nhiều dầu mỡ, giá cả lại đắt đỏ, mỗi bữa ăn lẩu hoặc nướng cũng hết 500 nghìn - 1triệu đồng. Vì thế, mỗi tháng cô chỉ đi ăn ngoài vài lần khi có dịp đặc biệt. Điều này cũng giúp Lương tiết kiệm thêm một khoản tiền khá lớn.
Vì mỗi tháng đều cố gắng “tiết kiệm thêm 1 chút” nên cuối năm Lương có thể thở phào, không cần xin tiền bố mẹ tiêu Tết mà còn biếu thêm cho bố mẹ.
Còn bạn thì sao, năm qua có thành công với những mục tiêu đã đề ra hay không? Nếu chưa thành công thì hy vọng bài viết này sẽ phần nào tiếp thêm động lực tích góp cho bạn trong năm mới 2025 nhé!