HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt

Thái Hà

(Thị trường tài chính) -Bị khuyết tật vận động, phải di chuyển bằng hai đầu gối nhưng bằng nghị lực phi thường và sự lạc quan trong nghịch cảnh, cô đã biến ước mơ làm giáo viên của mình trở thành sự thật.

Phạm Thị Thu Thủy (sinh năm 1997) được sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Cô bị cha mẹ bỏ rơi ngay tại Bệnh viện Từ Dũ (Quận 1, TP. HCM) với một đôi chân lành lặn, chiều cao chỉ vỏn vẹn 1,1m… Vượt qua những mặc cảm với lời bàn tán từ bạn bè, cô vẫn luôn duy trì thái độ sống tích cực, lạc quan. Hiện tại, Thủy là giáo viên của những học sinh khuyết tật.

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt - ảnh 1

Nếu chỉ nhìn vào ngoại hình thì người ta sẽ ngay lập tức nghĩ rằng, Thủy không thể làm được gì mà sẽ cần người khác giúp đỡ rất nhiều. Nhưng thực tế, cô có thể làm hết tất cả những việc từ tự chăm sóc bản thân, tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng, quét dọn nhà và cả chạy xe gắn máy 3 - 4 bánh đi làm.

Cô gái sinh năm 1997 tâm sự: "Trước đây, mình luôn nghĩ mình là người thiệt thòi. Nhưng khi nhận ra được giá trị của bản thân, mình thấy mình may mắn vì mình đặc biệt. Đặc biệt vì mình khác mọi người, mình luôn có một năng lượng tích cực và mình hạnh phúc vì điều đó. Mình dám đối diện và chấp nhận với những khó khăn, thử thách để vươn lên”.

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt - ảnh 2

Dù đi lại khó khăn nhưng Phạm Thị Thu Thủy lại là cô gái giàu nghị lực và năng lượng

Kể về hành trình đến với nghề giáo, Thủy cho biết ngay từ khi đi học, cô đã trở thành cầu nối cho người khuyết tật và mọi người xung quanh, cho các bạn và thầy cô. Có lẽ do tiếp xúc nhiều với các mảnh đời đặc biệt nên cô dễ dàng gần gũi, chia sẻ. Đến khi học cấp 3, cô giáo nhận thấy năng khiếu đó của Thủy và gợi ý cô thi vào ngành Sư phạm.

“Ban đầu, mình cảm thấy tự ti. Việc di chuyển của mình còn khó khăn thì sao có thể làm giáo viên? Liệu phụ huynh có tin tưởng giao con trẻ cho mình?... Hàng loạt câu hỏi cứ hiện lên trong đầu. Thế rồi khi chứng kiến những trẻ em chật vật, không thể thể hiện được suy nghĩ với bố mẹ, thậm chí bị người khác nhìn với ánh mắt không mấy thân thiện, mình nghĩ bản thân cần làm gì đó”, Thủy xúc động nói.

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt - ảnh 3

Vượt qua những mặc cảm và khó khăn, cô đã đỗ và ngành Sư phạm và trở thành giáo viên

Năm 2018, cô gái nhỏ và nghị lực đã đỗ vào Trường Đại học Sư phạm TP. HCM. Ngay từ những ngày đầu nhập học, Thủy đã phải trải qua nỗi đau bị viêm khớp hành hạ, làm bạn với chiếc xe lăn. Dù vậy, cô vẫn quyết tâm tự di chuyển bằng đầu gối để lên học tận tầng 3 như các bạn. Có những ngày vết thương sưng tấy, mưng mủ, việc di chuyển càng khó khăn, may mắn một số bạn bè sẵn sàng cõng cô đi học khiến Thủy vô cùng cảm động.

“Đã có nhiều lúc mình buồn, mình muốn bỏ cuộc nhưng mình nghĩ lại rằng mục đích mà mình đã phấn đấu. Mình biết ơn vì được bạn bè, thầy cô đồng cảm và giúp đỡ, chính điều đó cũng là ‘chất xúc tác’ giúp mình yêu đời và lạc quan hơn”, cô tâm sự.

Từ khi sinh ra đến hiện tại, cuộc đời đã thử thách cô giáo Phạm Thị Thu Thủy với hàng loạt khó khăn. Thế nhưng đó chưa bao giờ là lý do khiến cô chùn bước. Càng khó khăn, cô càng vươn lên. 

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt - ảnh 4

Cô giáo trẻ tâm sự: “Mình chưa bao giờ cảm thấy cuộc đời mình bất hạnh. Mình không né tránh khó khăn mà luôn luôn đâm thẳng, đối mặt trực tiếp với nó”

“Nhiều lúc mình sợ được ưu ái quá thì bản thân không rèn luyện được đức tính nhẫn nại. Không chỉ riêng mình, cả cộng đồng người khuyết tật nói chung,  nếu mọi thứ đều được ‘trải hoa hồng’ thì tương lai sẽ khó đương đầu được với khó khăn. Bản thân mình thích sự bình đẳng, dù mình không làm được như bao người bình thường nhưng vẫn sẽ thực hiện được đến một mức độ nào đó bằng tất cả sự nỗ lực", cô chia sẻ.

Ngay từ thời sinh viên, Thủy còn từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu của Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, tham gia phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và truyền thông, lan tỏa loại hình ngôn ngữ này tại các trung tâm dành cho người khiếm thính. 

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt - ảnh 5

Với tính chất công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn cực cao khi vừa phải giải đồng thời nhiều “bài toán khó" cùng một lúc, bằng sự yêu thương dành cho những em nhỏ tự kỷ, cô giáo Phạm Thị Thu Thủy đã từng bước can thiệp, giúp đỡ được nhiều rất nhiều học sinh.

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt - ảnh 6

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thủy có cơ hội được làm việc và tiếp xúc với những em nhỏ tự kỷ

Thủy chia sẻ, mỗi đứa trẻ đều có hoàn cảnh và khó khăn riêng. Trước khi dạy trẻ, cô luôn dành thời gian để quan sát, tìm hiểu sở thích, sở trường của các bé, từ đó đặt ra những mục tiêu giảng dạy, sáng tạo ra những bài giảng phù hợp để thu hút sự hứng thú của trẻ.

Cô giáo trẻ chia sẻ: “Với trẻ tự kỷ, mình phải thật sự kiên trì bởi các bé thường có trí nhớ khá ngắn. Đôi khi hôm nay tiếp thu bài học mới nhưng hôm sau lại trôi vào quên lãng. Về mặt chuyên môn, trước khi can thiệp một đứa trẻ bị tự kỷ thì mình đề ra mục tiêu 3 tháng: Ngôn ngữ - nhận thức - vận động tinh - vận động thô - tương tác xã hội. Những yếu tố trên mình đều giải thích với phụ huynh trước khi vào quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ để có thể nắm được mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn cho các bé”.

Sau khi trải qua những khó khăn, Thủy  lại có thêm động lực để bám trụ với nghề giáo. Cô luôn xem các bé là con, là thành viên của một gia đình.

“Dù là giáo viên nhưng mình không nhận bản thân là người dạy trẻ, mình chỉ là người hướng dẫn, là cầu nối của các bé. Chính mình cũng học được từ các bé rất nhiều, đó là sự kiên nhẫn, yêu đời và lạc quan. Mỗi ngày được thấy các bé ngày một trưởng thành là niềm vui của mình. 

Những trẻ tự kỷ luôn rất tình cảm, các bé thể hiện tình yêu ngây thơ và hồn nhiên lắm. ‘Con yêu cô Thủy nhất’, ‘Con nhớ cô Thủy’... những tình cảm đó thật ngây ngô và hồn nhiên. Với mình, các bé như con trai, con gái, như gia đình của mình”.

Theo cô giáo Phạm Thị Thu Thủy, các bé cũng chính là người đã trao cho cô cơ hội. Thời gian đầu, nhiều phụ huynh không yên tâm giao con trẻ cho một người khuyết tật như cô dạy dỗ. Thế nhưng chính sự kiên trì, lòng yêu trẻ và tình cảm dành cho các bé, cô đã dần thuyết phục được gia đình của các bé. Thủy khẳng định: "Chỉ cần yêu thương và cố gắng, không có gì là không thể".

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt - ảnh 7

Ngoài công việc giảng dạy, Thủy tích cực tham gia các diễn đàn, chương trình truyền hình để truyền cảm hứng cho cộng đồng

Cô giáo trẻ dành nhiều thời gian tham gia các diễn đàn cho người kém may mắn, các chương trình truyền hình, báo chí nhằm chia sẻ nghị lực sống, tinh thần không ngừng vươn lên trước nghịch cảnh cuộc đời.

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt - ảnh 8

Nói về dự định tương lai, Thủy cho biết bản thân luôn mơ ước bản thân có một công việc ổn định, trở thành một giáo viên được giảng dạy tại trường chuyên biệt dành cho những trường hợp có hoàn cảnh giống mình. Cô cũng hy vọng có thể mở một lớp hướng dẫn cho những người có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học như các cô chú bán vé số, em nhỏ lang thang… để họ có tương lai tươi sáng hơn.

Cô giáo khuyết tật với nghị lực phi thường và hành trình mang tình yêu thương đến với những học trò đặc biệt - ảnh 9

Thủy tâm niệm, được sống và giúp đỡ cho mọi người đã là ước muốn lớn nhất của bản thân

Khi được hỏi về dự định cho riêng bản thân, Thủy trầm ngâm một lát rồi nhẹ cười: “Mình không có mong muốn gì nữa. Được sống và giúp đỡ cho mọi người đã là ước muốn lớn nhất của mình”.

Ở tuổi 27, Phạm Thị Thu Thủy luôn lan tỏa năng lượng tích cực qua nụ cười rạng rỡ. Cô đã quen với những ánh mắt khác lạ và không bận tâm đến những lời khen chê. Thủy tin rằng, mỗi người đều phải trải qua những giai đoạn khó khăn. Điều quan trọng là tìm cách thích nghi và vươn lên.

Sau buổi trò chuyện, dù chỉ qua màn hình máy tính, tôi không khỏi ngưỡng mộ nghị lực phi thường của cô gái đặc biệt này. Dẫu cơ thể không trọn vẹn, Thủy vẫn luôn tỏa sáng với sự tích cực và nụ cười lạc quan, như một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho tất cả chúng ta.

Những khó khăn không làm cô chùn bước, mà ngược lại, trở thành động lực để cô vươn lên và chứng minh giá trị của mình. Từng câu chuyện cô chia sẻ đều toát lên tinh thần kiên cường và ý chí không đầu hàng trước nghịch cảnh.

Chúc cho những dự định và ước mơ của Thu Thủy sớm thành hiện thực. Cảm ơn cô gái nhỏ bé nhưng phi thường này vì đã luôn là chính mình – đặc biệt, kiên cường và tràn đầy năng lượng tích cực!