Phát lộ kho báu ‘vô song’ bí ẩn tại hầm đá cổ Trung Á, nơi 3 thế hệ loài người cổ đại cùng chung sống
(Thị trường tài chính) - Nhóm khảo cổ đã phát hiện hầm đá bí ẩn bên dòng suối ở Tajikistan, hé lộ một kho báu có thể là nơi cư trú chung của 3 loài người cổ đại.
Trong hành trình thám hiểm dọc sông Zeravshan tại Tajikistan, nhóm khảo cổ đã tìm ra một hầm đá bí ẩn, được cho là từng là nơi cư trú của ba loài người cổ đại khác nhau: Homo sapiens, Neanderthals và Denisovans.
Nhóm khảo cổ đã phát hiện hầm đá bí ẩn bên dòng suối ở Tajikistan, hé lộ một kho báu có thể là nơi cư trú chung của 3 loài người cổ đại. Ảnh minh họa
Homo sapiens là "người tinh khôn" hay "người hiện đại", tức là loài người hiện đại, còn Neanderthals và Denisovans là hai họ hàng cùng chi Homo đã tuyệt chủng khoảng 30.000-40.000 năm trước.
Dấu vết DNA trong cơ thể người hiện đại đã chỉ ra khả năng ba loài này từng sống chung và có giao phối chéo. Một số bằng chứng khảo cổ hiếm hoi củng cố cho giả thuyết này, như các hang động chứa dấu tích của hai trong ba loài và các bộ hài cốt mang đặc điểm lai giữa chúng.
Hầm đá bí ẩn ở Tajikistan là một kho báu khảo cổ vô song vì chứa đựng nhiều hiện vật từ 3 loài người khác nhau, được tạo ra khi họ cùng chung sống. Ảnh minh họa
Hầm đá mới được phát hiện bên cạnh dòng suối của hệ thống sông Zeravshan tại Tajikistan, có tên là Soii Havzak, mang giá trị đặc biệt vì chứa dấu tích của cả ba loài người cổ đại. Di chỉ này đã được khai quật từ năm 2023 và tại đây, các nhà khoa học đã thu thập được nhiều hiện vật như dụng cụ đá và xương động vật, cho thấy sự hiện diện của các nhóm người cổ.
Theo tạp chí Antiquity, phân tích sơ bộ cho thấy hầm đá này đã được sử dụng từ cách đây khoảng 150.000 năm. Trong suốt 130.000 năm sau đó, nhiều nhóm người đã lần lượt cư trú tại đây. Đặc biệt, một số bằng chứng cho thấy có khả năng họ từng cùng chung sống trong những giai đoạn nhất định.
Tiến sĩ Yossi Zaidner từ Viện Khảo cổ học thuộc Đại học Hebrew, Israel, cho biết họ hy vọng rằng nghiên cứu tại di chỉ này sẽ mang đến nhiều hiểu biết mới về cách các nhóm người cổ đại tương tác với nhau trong khu vực.
Một số công cụ bằng đá được khai quật từ hầm đá cổ. Ảnh: Đại học Hebrew
Hầm đá Soii Havzak nằm trên Hành lang Núi Nội Á (IAMC), một tuyến đường di cư quan trọng ở Trung Á mà các loài người cổ đại đã từng sử dụng để di chuyển và gặp gỡ nhau. Sau này, khu vực này cũng trở thành một phần của Con đường Tơ lụa nổi tiếng, nối liền các nền văn minh từ Trung Quốc đến Đế chế La Mã qua các hoạt động giao thương sôi động.
Những phát hiện mới tại Soii Havzak không chỉ giúp giới khoa học hiểu sâu hơn về sự giao lưu giữa các loài người cổ đại mà còn mở ra cơ hội khám phá về lịch sử tương tác và phát triển của loài người trên con đường di cư xuyên lục địa.