HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chuyên gia dự báo số ca ung thư toàn cầu sẽ tăng mạnh vào năm 2050

Khả Vy

(Thị trường tài chính) - Dữ liệu trong nghiên cứu được phân loại theo các yếu tố nhân khẩu học như nhóm tuổi, giới tính, khu vực địa lý và chỉ số HDI.

Trong một nghiên cứu có tên "Sự chênh lệch toàn cầu về ung thư và gánh nặng dự kiến vào năm 2050" được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, các nhà khoa học cảnh báo rằng số ca mắc ung thư trên toàn cầu có thể tăng mạnh tới 76,6% vào năm 2050. Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm chuyên gia từ nhiều quốc gia, bao gồm Australia, Mỹ, Ethiopia, Rwanda, Bangladesh và Kenya, dẫn đầu bởi Đại học Charles Sturt (Australia).

Các tác giả đã phân tích dữ liệu về 36 loại ung thư ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ do Đài Quan sát ung thư toàn cầu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thu thập. Những con số này giúp dự báo xu hướng gia tăng các ca mắc ung thư trong tương lai, đưa ra một cái nhìn rõ ràng về tình hình sức khỏe toàn cầu.

Chuyên gia dự báo số ca ung thư toàn cầu sẽ tăng mạnh vào năm 2050  - ảnh 1

Tỷ lệ ung thư sẽ tăng cao trong các thập kỷ tới do sự già hóa dân số và nhiều yếu tố khác. Ảnh minh họa 

Dữ liệu trong nghiên cứu được phân loại theo các yếu tố nhân khẩu học như nhóm tuổi, giới tính, khu vực địa lý và Chỉ số Phát triển con người (HDI). HDI là một chỉ số phản ánh tình hình sức khỏe, giáo dục và thu nhập trung bình của các quốc gia.

Để dự đoán sự thay đổi của tỷ lệ ung thư vào năm 2050, nhóm nghiên cứu sử dụng dự báo dân số từ Liên Hợp Quốc, với giả định rằng tỷ lệ ung thư sẽ không thay đổi trong các nhóm dân số khác nhau. Mô hình tính toán được áp dụng cho dân số toàn cầu dự kiến sẽ lớn hơn và già hơn vào năm 2050.

Kết quả dự báo rằng số ca ung thư sẽ tăng 76,6%, từ 20 triệu ca vào năm 2022 lên 35,3 triệu ca vào năm 2050. Bên cạnh đó, số ca tử vong do ung thư cũng sẽ tăng 89,7%, từ 9,7 triệu ca năm 2022 lên 18,5 triệu ca vào năm 2050. Điều đáng chú ý là sự chênh lệch này đặc biệt rõ rệt giữa các quốc gia có mức HDI khác nhau, cho thấy tác động của phát triển kinh tế và xã hội đối với tỉ lệ ung thư toàn cầu.

Chuyên gia dự báo số ca ung thư toàn cầu sẽ tăng mạnh vào năm 2050  - ảnh 2

Các quốc gia có chỉ số HDI thấp được dự đoán sẽ chứng kiến số ca ung thư tăng gần gấp ba lần vào năm 2050. Ảnh minh họa 

Các quốc gia có Chỉ số Phát triển con người (HDI) thấp được dự đoán sẽ chứng kiến số ca ung thư tăng gần gấp ba lần vào năm 2050. Cụ thể, số ca mắc ung thư sẽ tăng 142,1%, số ca tử vong sẽ tăng 146,1%. Ngược lại, các quốc gia có HDI rất cao dự báo sẽ có mức tăng khiêm tốn hơn, với số ca mắc ung thư tăng 41,7% và số ca tử vong tăng 56,8%.

Ngoài ra, sự thay đổi về gánh nặng ung thư còn phụ thuộc vào khu vực, nhóm tuổi và giới tính. Cụ thể, nam giới có tỷ lệ mắc ung thư và tử vong cao hơn so với nữ giới trong năm 2022, và khoảng cách này dự báo sẽ tiếp tục duy trì, với chênh lệch lên tới 16% vào năm 2050.

Khu vực châu Phi được dự báo sẽ chịu sự gia tăng mạnh nhất về số ca ung thư. Cụ thể, số ca mắc và tử vong ở châu lục này dự kiến tăng lần lượt là 139,4% và 146,7% vào năm 2050. Trong khi đó, châu Âu có thể chứng kiến mức tăng thấp nhất về ung thư, với số ca mắc ung thư dự báo tăng chỉ 24,6% và tử vong tăng 36,4%.

Vì sao tỷ lệ ung thư lại tăng cao?

Tỷ lệ mắc ung thư thường cao hơn ở những quốc gia, khu vực có chỉ số HDI cao, chủ yếu là do những yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau, bao gồm lão hóa dân số, lối sống ít vận động và tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn. Những yếu tố này làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư ở nhóm dân số này.

Chuyên gia dự báo số ca ung thư toàn cầu sẽ tăng mạnh vào năm 2050  - ảnh 3

Ở các quốc gia có HDI cao, tỷ lệ chẩn đoán sớm ung thư cũng cao hơn, giúp phát hiện được nhiều ca bệnh hơn. Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, ở các quốc gia có HDI cao, tỷ lệ chẩn đoán sớm ung thư cũng cao hơn, giúp phát hiện được nhiều ca bệnh hơn. Tuy nhiên, điều này lại có lợi vì nó giúp giảm tỷ lệ tử vong, nhờ vào việc điều trị kịp thời.

Ngược lại, ở những quốc gia có HDI thấp, thiếu thốn phương tiện sàng lọc và khả năng phát hiện sớm là những yếu tố chính khiến tỷ lệ tử vong do ung thư cao. Hệ thống chăm sóc y tế chưa phát triển đủ để cung cấp dịch vụ phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị ung thư hiệu quả.

Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh: "Việc cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm bảo hiểm y tế toàn dân, cùng với các chương trình phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị ung thư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả điều trị và làm chậm các xu hướng tiêu cực dự kiến trong tương lai".