Chuyện bà giáo 84 tuổi dành 30 năm dạy chữ miễn phí cho học sinh thiểu năng
(Thị trường tài chính) - Mặc dù đã ở tuổi U90 nhưng suốt 30 năm qua, đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu, bà giáo già vẫn cần mẫn dạy từng con chữ cho những học trò đặc biệt.
“Cả lớp, đứng”- Phúc, 33 tuổi, dõng dạc hô to. Đó cũng là lời chào đón chúng tôi khi bước vào lớp học đặc biệt. “Em” đã học ở đây 10 năm, được cô giáo giao cho vị trí lớp trưởng, “lãnh đạo” các bạn.
Tại sao lớp học này có học sinh lớn tuổi và học lâu đến vậy? Đây chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi lần đầu nghe về nơi này. Bởi đó chính là Lớp học linh hoạt, nơi những học sinh khiếm khuyết, trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ và những em nhỏ khó khăn tìm thấy tình yêu thương trong từng con chữ.
Lớp học đặc biệt này nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Trương Định, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Không máy chiếu hiện đại, không những dãy bàn ghế đồng bộ, ở đây chỉ có vài chiếc bàn cũ tựa mình vào bức tường đã ngả màu loang lổ.
Người mở ra và giữ lửa cho lớp học ấy không ai khác chính là bà Nguyễn Thị Côi, một cụ bà 84 tuổi với dáng lưng hơi còng, mái tóc ngắn chấm bạc, ngày ngày vẫn bước trên đôi giày cũ để đến lớp. Suốt 30 năm qua, từ thứ Hai đến thứ Sáu, bà giáo Côi vẫn coi việc dạy học là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời mình. Đối với bà, thu nhập duy nhất không phải là tiền bạc, mà chính là những lớp lớp học trò "tốt nghiệp", biết đọc, biết viết, thậm chí đơn giản là không còn quấy phá.
Trong căn phòng vỏn vẹn chỉ khoảng 15m2 ở nhà văn hóa khu dân cư phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, lớp học của bà giáo Nguyễn Thị Côi khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
Những học trò ngồi đây đủ mọi lứa tuổi, từ các bạn nhỏ 10 tuổi đến những người đã ngoài 30. Họ có thể khác nhau về tuổi tác, nhưng đều có chung những hoàn cảnh đặc biệt... Với nhiều người, họ có thể là những mảnh đời lạc lõng bên lề xã hội, ít có cơ hội hòa nhập, nhưng ở lớp học này, họ đơn giản là những học trò được bà giáo Côi coi như con, được yêu thương và kiên nhẫn dạy dỗ từng ngày.
Nhắc đến duyên nợ với lớp học đặc biệt, bà Nguyễn Thị Côi kể lại câu chuyện bắt đầu từ hơn 30 năm trước. Khi ấy, bà còn là Hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Thời điểm đó, lãnh đạo phường triển khai chủ trương xóa mù chữ và mở lớp học cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Không chút do dự, bà xung phong tham gia.
Những ngày đầu, bà Côi tự mình đi khắp các xóm trọ, kiên nhẫn gặp từng phụ huynh của các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để vận động đưa con đến lớp. Dẫu điều kiện cơ sở vật chất khi đó hết sức tạm bợ và thiếu thốn, bà vẫn bền bỉ theo đuổi công việc này với tất cả tình yêu thương và lòng quyết tâm.
Khi lớp học đã dần vào quy củ, học sinh bắt đầu đến học đều đặn, bà lại phải đối mặt với những thử thách khác. Dạy những học sinh bình thường đã khó, đây lại là những em có khiếm khuyết về trí tuệ. Công việc ấy vất vả gấp nhiều lần.
“Dạy những học trò bình thường đã khó, nhưng với các em khiếm khuyết, tôi phải cầm tay chỉ từng mặt chữ, lặp đi lặp lại hàng tháng, thậm chí cả năm. Nhưng mỗi bước tiến nhỏ của các em đều là niềm vui lớn của tôi.” — bà giáo nói.
Bà Côi không chỉ dạy cho học trò những con chữ, mà còn dành trọn tâm huyết để chữa lành những thiếu thốn trong cuộc sống của các em. Những khi học trò mất kiểm soát vì tăng động, bà không bao giờ bỏ cuộc. Bà nhẹ nhàng xoa lưng, vỗ về, kiên trì trò chuyện để các em cảm thấy yên tâm trở lại. Với bà Côi, mỗi lần như vậy đều là một cuộc chiến, nhưng là cuộc chiến vì yêu thương và hy vọng.
Bà Côi chia sẻ: “Để dạy những học trò đặc biệt này, tôi không chỉ cần kiến thức về chữ nghĩa mà còn phải hiểu rõ về bệnh lý của các em để biết cách xử lý khi học trò mất kiểm soát. Mỗi em có một căn bệnh, một tâm lý riêng, tôi luôn tìm hiểu kỹ để có phương pháp dạy phù hợp. Nếu cần, tôi sẽ trực tiếp trao đổi với phụ huynh để cùng tìm giải pháp tốt nhất cho các em”.
Với sự đồng hành tận tâm, bà giáo Côi đã giúp các thế hệ học trò ở lớp học đặc biệt này không cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Giúp họ mở mang kiến thức, biết cư xử hòa nhã với mọi người, trở nên sáng suốt và tự tin hơn.
Với trái tim của một người từng trải qua tuổi thơ thiếu thốn tình cảm gia đình, bà giáo Côi dành trọn tâm huyết cho những đứa trẻ kém may mắn. Bà chia sẻ:
Đặc biệt hơn, khi ở đây có nhiều em không chỉ thiếu đi tình yêu thương của bố mẹ mà còn phải đối mặt với những khó khăn về sức khỏe và trí tuệ, bà Côi nói.
Kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của bạn Đinh Khánh Linh, bà Côi cho biết, Linh là một cô bé sinh năm 2007, bị bố bỏ rơi từ khi còn nhỏ lại bị thiểu năng trí tuệ, sức khỏe rất yếu. Tuy nhiên, dưới sự dạy dỗ của cô, Linh dần biết giúp đỡ mẹ và bà làm những việc nhỏ trong gia đình như quét sân hay bưng bát đũa. Những tiến bộ ấy dù nhỏ, nhưng lại là niềm vui lớn lao của bà giáo Côi.
Trò chuyện với tôi, Linh liền khoe ngay con điểm 9 mới được cô giáo phê vào vở, rồi ghé sát tai thì thầm nói cho tôi biết về ước mơ của mình: “Em muốn sau này làm bác sĩ, để khám bệnh cho mọi người”. Ước mơ của Linh, giống như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng có lẽ lại rất xa vời với hoàn cảnh của em. Tuy nhiên, chẳng ai có thể đánh thuế ước mơ. Tại lớp học đặc biệt này, ước mơ của các em như những ngọn hải đăng, thắp sáng hy vọng và là động lực tới lớp mỗi ngày.
Nói đoạn, bà Côi chỉ tay về một cậu học trò ngồi cuối lớp: “Đấy là Phúc, lớp trưởng của lớp học này. Phúc không chỉ nhắc các bạn trực nhật, dọn dẹp vệ sinh trước khi ra về mà còn làm toán rất giỏi đấy nhé!” - giọng bà giáo ngọt ngào, trìu mến hướng về cậu học trò lớn tuổi nhất của mình.
Phúc, dù đã 33 tuổi, vẫn mang trong mình tâm trí của một đứa trẻ. Hằng ngày, cậu cặm cụi học từng chữ cái như các bạn nhỏ khác. Ít ai ngờ rằng, ẩn sau dáng vẻ giản đơn ấy là một trái tim kiên cường hơn 10 năm vượt qua những khiếm khuyết trí tuệ để cùng đồng hành trong lớp học đặc biệt này.
Được biết, không ít học trò của bà giáo Côi đã có cơ hội tiếp tục con đường học vấn, nhờ vào sự giới thiệu của cô đến các trung tâm giáo dục thường xuyên. Có em đã tìm được công việc ổn định và tự nuôi sống bản thân. Bà Côi kể lại, giọng đầy tự hào rằng, có hai học trò đặc biệt đã vượt qua tất cả khó khăn, đỗ vào Đại học Tài chính Ngân hàng và xây dựng gia đình riêng.
Những học trò của bà Côi chính là minh chứng sống cho việc không bao giờ có từ “quá muộn” khi muốn thay đổi số phận.
Dành 1/3 cuộc đời để lắng lo cho những đứa trẻ không may mắn nhưng chưa một lần bà Côi có suy nghĩ từ bỏ. Chúng tôi không khỏi thắc mắc về lý do mà người phụ nữ nhỏ bé ấy lại có nhiệt huyết lớn lao đến vậy với trẻ khuyết tật. Bà Côi mỉm cười và nhẹ nhàng đáp: “Tôi làm vì cái tâm. Nhiều người bảo tôi sao không nghỉ ngơi, tuổi đã cao rồi. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Chừng nào còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục dạy các em”. Bà cũng tâm sự thêm, tuổi già, việc đứng lớp cũng là cách khiến bản thân lạc quan, có sức khỏe, có niềm vui. “Con cái đều đã trưởng thành, cứ ở nhà một mình có khi lại nhanh ốm” - bà dí dỏm.
Dù vậy, bà vẫn luôn trăn trở, liệu sau này, ai sẽ tiếp nối công việc của bà, ai sẽ là người thay bà dạy dỗ những học trò đặc biệt này?
Thời gian gần đây, có không ít những vụ việc “nhà giáo” bạo hành chính học sinh của mình khiến dư luận dậy sóng, khi chúng tôi nhắc về điều đó với một người dành trọn cả cuộc đời để “trồng người”, bà giáo Côi không khỏi thở dài, chia sẻ trong giọng nói đầy trăn trở: Trong giáo dục, cần đặt cái tâm vào nghề. Đôi khi chỉ cần một cái nhìn, một hành động nhẹ nhàng nhưng cũng có thể giúp học trò cảm nhận được lỗi lầm thay vì dùng sự nghiêm khắc thái quá, thậm chí là bạo lực. Bà cho rằng, vai trò của một giáo viên không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn là tấm gương sáng để học trò noi theo trong hành trình làm người.
Những ngày cận dịp 20/11, với nhiều thầy cô, những món quà có thể là bó hoa, thiếp mừng…Nhưng đối với bà giáo Côi, bà chỉ ước ao có thể đón thêm nhiều nhiều ngày lễ với các học trò.
Bà cho biết, những dịp này bà thường mua sách vở để các em có đồ dùng học tập. Với bà giáo Côi, món quà lớn lao hơn tất thảy chính là các học trò của mình luôn khỏe mạnh và tới lớp đều đặn.
Cả lớp, đứng
Chúng con chào cô ạ!
Lớp học đặc biệt tiễn chúng tôi ra về bằng một thanh âm ngập ngừng, chậm rãi nhưng “trọn vẹn”, trọn vẹn của những con chữ và trọn vẹn của tình yêu thương mà bà giáo 84 tuổi vẫn đang ngày ngày gieo lên ở đây.