Chân dung đại gia ngành tôn gốc Bình Định đứng sau Mái ấm gia đình Việt, có 2.500 tỷ nhưng quyết không để lại cho con cháu vì 1 lý do

Mai Hương

(Thị trường tài chính) - Cuộc đời của ông chủ Tập đoàn Hoa Sen - người đứng sau chương trình Mái ấm gia đình Việt khiến nhiều người thán phục.

Gây dựng cơ nghiệp từ con số 0, đạt đỉnh vinh quang rồi chọn lối về nơi cửa Phật

Doanh nhân Lê Phước Vũ, người được mệnh danh là “vua tôn”, là một trong những biểu tượng đặc biệt của giới doanh nhân Việt Nam. Ông không chỉ nổi bật với hành trình khởi nghiệp đầy gian nan từ hai chỉ vàng, mà còn khiến người đời nể phục khi từ bỏ ánh hào quang thương trường để tìm về sự bình an trong Đạo Phật.

Chân dung đại gia ngành tôn gốc Bình Định đứng sau Mái ấm gia đình Việt, có 2.500 tỷ nhưng quyết không để lại cho con cháu vì 1 lý do - ảnh 1
Sở hữu khối tài sản nghìn tỷ nhưng ông Lê Phước Vũ vẫn chọn đi tu

Sinh năm 1963 tại Bình Định trong một gia đình nghèo, ông Vũ vẫn may mắn được học hành đầy đủ. Năm 1979, ông tốt nghiệp Trường Trung cấp Giao thông Vận tải Phú Tài. Cuộc sống khó khăn khiến cả gia đình phải vào Nam lập nghiệp – đánh dấu khởi đầu cho hành trình xây dựng cơ nghiệp từ con số không.

Cơ duyên kinh doanh đến với ông rất tình cờ. Trong thời gian làm quản đốc tại Công ty Gỗ Đức Thành, ông gặp một giám đốc người nước ngoài trong ngành thép, người đã nhìn thấy tố chất đặc biệt và khuyên ông nên thử tự lập kinh doanh.

Năm 1994, với chỉ 2 chỉ vàng trong tay, ông mở một cửa hàng nhỏ bán tôn tại ngã tư An Sương, TP.HCM. Ngày 18/5/1994, khi vợ chồng ông nghẹn ngào cầm trên tay 650.000 đồng tiền lãi đầu tiên, đó không chỉ là tiền mà là hy vọng, là niềm tin vào tương lai.

Sau ba năm, nhận thấy mô hình cửa hàng nhỏ không còn hiệu quả, ông quyết định liều mình vay mượn để mở xưởng cán tôn, bước ngoặt lớn đưa ông vào hành trình chông gai thật sự.

Chân dung đại gia ngành tôn gốc Bình Định đứng sau Mái ấm gia đình Việt, có 2.500 tỷ nhưng quyết không để lại cho con cháu vì 1 lý do - ảnh 2
Hành trình khởi nghiệp đầy chông gai của đại gia ngành tôn 

Những ngày đầu, ông đối mặt với áp lực tài chính, cạnh tranh và nguy cơ phá sản. Nhưng nhờ triết lý "nhẫn" của nhà Phật, ông giữ được sự bình tĩnh và từng bước vượt qua. Công việc dần khởi sắc, khách hàng tăng lên, và hệ thống xưởng cán tôn cũng mở rộng.

Ông đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, xây dựng thương hiệu Tôn Hoa Sen và phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn thép nước ngoài.

Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến giá thép lao dốc mạnh, Hoa Sen đối mặt nguy cơ sụp đổ. Thay vì cầm cự, ông quyết đoán bán tháo toàn bộ hàng tồn kho, chấp nhận lỗ nặng trước mắt.

Khi giá thép chạm đáy, ông mua lại với giá rẻ và áp dụng chiến lược linh hoạt “nhu cầu đến đâu, mua đến đó”. Quyết định táo bạo này đã giúp Hoa Sen không những sống sót mà còn lội ngược dòng, thu lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn khủng hoảng.

Chân dung đại gia ngành tôn gốc Bình Định đứng sau Mái ấm gia đình Việt, có 2.500 tỷ nhưng quyết không để lại cho con cháu vì 1 lý do - ảnh 3
Ông Lê Phước Vũ dẫn dắt Hoa Sen vượt qua nhiều thử thách

Hành trình trở về bên cửa Phật

Tháng 7/2020, ông chính thức quy y Tam Bảo. Dù rời xa phố thị, ông vẫn giữ vai trò định hướng chiến lược cho Tập đoàn. Mỗi tháng, ông xuống núi họp một lần, sau đó quay về đời sống thanh tịnh.

Ông tuyên bố sẽ rút khỏi Tập đoàn Hoa Sen vào năm 2026, đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập. Ban đầu, ông định chuyển toàn bộ cổ phần cho một quỹ phi lợi nhuận, nhưng hủy bỏ vì không phù hợp triết lý sống. Ông cũng từng tìm người kế thừa ngoài gia đình, nhưng không ai đủ cả "tâm và tài". Cuối cùng, ông cân nhắc giao lại cho con gái út, với điều kiện con phải thực sự đủ bản lĩnh và đam mê.

"Tôi không để lại tài sản cho con cháu. Tôi muốn chúng hiểu, kiếm tiền phải đổ mồ hôi, nước mắt. Có như vậy, mới biết trân quý và đồng cảm với người nghèo".

Chân dung đại gia ngành tôn gốc Bình Định đứng sau Mái ấm gia đình Việt, có 2.500 tỷ nhưng quyết không để lại cho con cháu vì 1 lý do - ảnh 4
Ông "Vua tôn" tuyên bố quy y khiến nhiều người bất ngờ

Doanh nhân giàu lòng từ bi

Không chỉ là một người làm kinh tế, ông còn là người dấn thân vào công tác thiện nguyện, dành hàng chục tỷ đồng cho từ thiện. Tập đoàn Hoa Sen dưới sự dẫn dắt của ông không chỉ phát triển kinh doanh, mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn trong cộng đồng, điều khiến cái tên Lê Phước Vũ vượt xa khỏi danh xưng "đại gia".

Được biết, hằng năm, công ty ông đều dành 3% lợi nhuận sau thuế hợp nhất  tương đương hàng chục tỷ đồng để triển khai các hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa thiết thực. Nguồn kinh phí này được sử dụng cho các công trình phúc lợi cộng đồng và chương trình an sinh xã hội như: Xây cầu, xây dựng trường mầm non, trường học ở vùng khó khăn, hỗ trợ lợp mái tôn cho người dân vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai… 

Chân dung đại gia ngành tôn gốc Bình Định đứng sau Mái ấm gia đình Việt, có 2.500 tỷ nhưng quyết không để lại cho con cháu vì 1 lý do - ảnh 5
Chương trình Mái ấm gia đình Việt do Tập đoàn Hoa Sen tài trợ

Một trong những chương trình do Tập đoàn Hoa Sen tài trợ được nhiều người biết đến là Mái ấm gia đình Việt. Đây là chuỗi hành trình thiện nguyện đầy nhân văn, đã mang đến sự giúp đỡ cho hơn 2.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các mái ấm, trường giáo dưỡng, làng trẻ em SOS… 

Chương trình có sự tham gia của MC Quyền Linh và nhiều người nổi tiếng khác. Mỗi tập phát sóng là một câu chuyện xúc động, chạm đến trái tim khán giả bằng những giọt nước mắt và sự đồng cảm sâu sắc trước những số phận kém may mắn.