Cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam, là tuyến đường mở rộng cánh cửa ra - vào miền Tây Nam Bộ
(Thị trường tài chính) - Cây cầu này có ý nghĩa rất quan trọng đối với giao thông kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Mỹ Thuận, bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long được khởi công xây dựng vào ngày 6/7/1997 và hoàn thành vào ngày 21/5/2000.
Cây Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 125km về hướng Tây Nam. Cầu có chiều dài 1.535m và chiều rộng 23,6m, bao gồm 4 làn xe. Cầu được thiết kế theo hình rẻ quạt, với phần cầu chính dài 650m, chia thành 3 nhịp: hai nhịp bên mỗi nhịp dài 150m và nhịp giữa dài 350m.
Trước khi cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam này được khánh thành, người dân ở hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long muốn đi lại phải di chuyển bằng phà, vừa mất nhiều thời gian lại không đảm bảo được an toàn.
Được biết, cầu Mỹ Thuận là một dự án hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của Việt Nam và Úc, do đó, nó mang đậm phong cách kiến trúc hiện đại. Không chỉ mang lại diện mạo mới cho vùng Tây Nam Bộ, cầu Mỹ Thuận còn mở đầu cho công nghệ xây dựng cầu dây văng bắc qua eo biển và các con sông lớn tại Việt Nam.
Chính vì vậy, cầu khi hoàn thành không những có ý nghĩa nối thông Quốc lộ 1 mà còn là một "trường học lớn" cho nhiều cán bộ, kỹ sư cũng như công nhân cầu đường Việt Nam.
Từ trên cầu, mỗi du khách và người dân đều có thể ngắm nhìn từ những ngôi nhà, phương tiện giao thông, cây cối, đến những con sông uốn lượn, những đồng bằng ở phía xa xa.
Cầu Mỹ Thuận từ khi đi vào hoạt động đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long cũng như vùng đồng bằng Sông Cửu Long nói chung. Có thể thấy, đây không chỉ là một công trình giao thông quan trọng mà còn là điểm nhấn về văn hóa kiến trúc và giá trị thẩm mỹ. Cây cầu này cũng là địa điểm thu hút rất nhiều du khách từ các tỉnh, thành phố khác nhau đến tham quan.