Căn nhà cổ gắn với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đất Thần kinh, được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt
(Thị trường tài chính) - Với những dấu ấn đặc biệt, ngôi nhà này đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách mỗi năm.
Ngôi nhà số 158 (số cũ 112) đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, TP Huế nằm trong khu vực Thành nội nổi bật với không gian xanh mát. Đây là nơi gắn liền với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người cùng gia đình sống ở Huế lần đầu tiên từ năm 1895 đến 1901.
Năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) đỗ Cử nhân tại trường thi Hương Nghệ An. Năm sau, ông vào Huế dự thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông xin vào học tại trường Quốc Tử Giám - Huế. Tuy nhiên, học bổng của trường quá ít, không đủ để trang trải cuộc sống tại kinh đô.
Vì vậy, ông trở về quê bàn bạc với gia đình và quyết định đưa vợ con vào Huế để tiện chăm sóc gia đình, đồng thời có điều kiện hỗ trợ việc học hành. Nhờ sự giới thiệu của người quen, ông đã thuê được một căn nhà nhỏ ở đường Đông Ba – chính là ngôi nhà lưu niệm hiện nay.
Ngôi nhà gỗ rộng 3 gian này mang nét kiến trúc nhà rường truyền thống của Huế với mái ngói liệt, tường xây gạch vồ và hệ thống cửa "thượng song, hạ đố" đặc trưng. Phía sau ngôi nhà chính là nhà bếp với vách trát đất và mái tranh, tạo thành một tổng thể nhà – sân – vườn hoàn chỉnh.
Ngôi nhà đã lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự đảm đang, tần tảo của bà Hoàng Thị Loan, cũng như sự lớn lên của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tên thuở nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đặc biệt, đây còn là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư, Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà trút hơi thở cuối cùng vào ngày 10/2/1901, khi bà mới 33 tuổi.
Theo Báo Quân đội Nhân dân, ngôi nhà này từng nằm gần nhà của Hoàng Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi, người được coi là linh hồn của phong trào Cần Vương. Bên cạnh đó là hai trường võ quan của triều đình Huế: Trường Anh Danh và Trường Giáo Dưỡng, khu vực này cũng là trọng điểm trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1885. Đặc biệt, ngôi nhà còn gần miếu Âm Hồn, nơi thờ các đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện Thất thủ Kinh đô, được xây dựng vào năm 1895.
Những năm tháng sống tại Thành nội Huế, cậu bé Cung (tên thuở nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) vốn thông minh và tò mò, thường lui tới miếu Âm Hồn, tham gia các buổi lễ cúng tế các chiến sĩ trận vong. Chính tại đây, cậu đã cảm nhận được nỗi xót thương của đồng bào, căm phẫn trước sự tàn bạo của thực dân xâm lược và nuôi dưỡng lòng yêu nước từ thuở ấu thơ. Ngôi nhà này cũng gắn liền với kỷ niệm buồn khi mẹ của cậu, bà Hoàng Thị Loan, qua đời vào cuối năm 1901.
Với những dấu ấn lịch sử đặc biệt, ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 74/VH-QĐ ngày 2/2/1993. Đến ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng căn nhà số 112 - Mai Thúc Loan là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trong những năm qua, ngôi nhà này đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách mỗi năm. Nhờ sự quan tâm, đầu tư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị, nơi đây chắc chắn sẽ tiếp tục là một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi ghé thăm Huế, thành phố di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.