2 loại quả 'nhà nghèo' ở Việt Nam nay hóa 'mỏ vàng', thành đặc sản xuất khẩu ra nước ngoài
(Thị trường tài chính) - Loại quả đặc sản này từ lâu được biết đến với cái tên “nhà nghèo” nhưng lại sở hữu công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.
Trái bần là một loại quả đặc sản nổi tiếng của miền Tây, từ lâu đã trở thành phần không thể thiếu trong nền ẩm thực sông nước của vùng đất này. Dù cái tên “bần” thường khiến người ta liên tưởng đến sự nghèo khó, nhưng hương vị độc đáo cùng những lợi ích tuyệt vời mà trái bần mang lại lại khiến nó trở thành món ăn yêu thích của bao người.
Trái bần từ lâu đã trở thành phần không thể thiếu trong nền ẩm thực sông nước của miền Tây. Ảnh: Internet
Trái bần, hay còn gọi là thủy liễu, có tên khoa học là Sonneratia caseolaris, thường mọc ở các bãi bùn thủy triều nhiệt đới, từ châu Phi đến Indonesia. Quả bần có hình tròn, hơi dẹt, phần cuống nhọn như cánh sao. Khi chín, vỏ quả chuyển màu vàng, tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu.
Trước đây, trái bần thường rụng đầy bờ kênh, bờ ao, ít ai chú ý đến. Tuy nhiên, người dân miền Tây thường hái quả bần để ăn sống, chấm với muối ớt, mắm nêm, hoặc nấu canh chua. Ngày nay, trái bần đã trở thành một đặc sản nổi tiếng, được ưa chuộng và nhiều hộ dân ở miền Tây đã bắt đầu trồng để cung cấp ra thị trường.
Khi còn non, quả có màu xanh lá cây, nhưng khi chín sẽ chuyển sang màu vàng nhẹ, thoang thoảng mùi thơm. Ảnh: Internet
Trái bần có hai loại chính: một loại chua thường dùng để nấu canh chua hoặc làm gia vị chua cho món ăn và một loại ngọt hơn, thường được ăn sống kèm với mắm cá hoặc muối ớt. Tại các chợ miền Tây, trái bần được bán vào mùa vụ với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Với khoảng 10.000 đồng, bạn có thể mua đủ để chế biến một bữa ăn ngon miệng.
Ngoài ra, trái bần còn được chế biến thành các sản phẩm như mứt bần, bột bần và được xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại giá trị kinh tế cao.
Người miền Tây thường tận dụng cả hoa và trái bần để chế biến thành những món ăn dân dã vô cùng hấp dẫn. Ảnh: Internet
Không chỉ là món ăn ngon, trái bần còn chứa nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Ở Ấn Độ, nước ép trái bần lên men được dùng như một loại thuốc giúp ức chế xuất huyết. Lá bần giã với một chút muối được dùng để làm thuốc đắp cho các vết thương nhẹ. Tại Malaysia, lá bần giã cùng gạo được dùng để chữa bí tiểu và tiêu diệt ký sinh trùng đường ruột. Trái bần cũng giúp trị ho và hỗ trợ tiêu hóa, điều trị giun, sán,…
Trái bần chứa nhiều hợp chất có lợi như archin (emodin) và archicin (axit chrysophanic), giúp chống oxy hóa, nhuận tràng và giải độc cơ thể. Bên cạnh đó, trái bần cũng là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, cùng với các thành phần như carbohydrate, protein, lipid và axit ascorbic.
Lá bần giã cùng gạo được dùng để chữa bí tiểu và tiêu diệt ký sinh trùng đường ruột. Ảnh minh họa
Theo Đông y, trái bần có vị chua, chát, nhưng khi chín, nó tỏa ra một mùi thơm đặc trưng. Với tính mát và vị chua, trái bần có tác dụng tiêu viêm, giảm đau hiệu quả. Một số công dụng chữa bệnh từ trái bần có thể kể đến như chữa bong gân, viêm tấy,... bằng cách dùng quả non giã nát và đắp lên vùng sưng tấy, kết hợp với việc dùng băng cố định và thay băng mỗi ngày. Ngoài ra, trái bần còn được dùng để chữa bí tiểu, bằng cách giã lá bần cùng cơm quả bần làm thuốc đắp vào bụng dưới giúp cải thiện tình trạng này.
Các nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra rằng chiết xuất từ cây bần có tác dụng chống oxy hóa, hạ đường huyết và kháng khuẩn. Dịch chua từ trái bần còn có tác dụng bảo vệ tế bào gan, tiêu diệt ấu trùng muỗi và chống viêm. Hơn nữa, chiết xuất từ bần cũng được nghiên cứu và cho thấy có tác dụng ức chế các loại ung thư như ung thư vú, ung thư phổi và ung thư biểu mô,...
Một công dụng đáng chú ý khác là khả năng ức chế enzyme acetylcholinesterase, giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer, một chứng bệnh do thoái hóa thần kinh.