Vì sao tín dụng ngân hàng tăng mạnh tháng cuối năm 2023?
(Thị trường tài chính) - Báo cáo mới nhất của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings nhận định, việc tín dụng tăng nhanh vào tháng cuối năm 2023 được thúc đẩy phần nào cũng bởi tăng trưởng tín dụng dành cho các đơn vị phát triển bất động sản.
Chất lượng tài sản ngân hàng sẽ chưa cho thấy sự cải thiện ngay năm 2024
Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt khoảng 13,7% và tăng nhanh vào tháng cuối năm. Báo cáo “Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024 – Thích nghi với thay đổi” của FiinRatings đánh giá, mặc dù việc tín dụng tăng mạnh vào cuối năm là thường thấy do nhu cầu vốn của một số doanh nghiệp tăng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này được thúc đẩy phần nào cũng bởi tăng trưởng tín dụng dành cho các đơn vị phát triển bất động sản.
“Trong năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15% và trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro tín dụng của các lĩnh vực liên quan tới bất động sản vẫn được chúng tôi đánh giá là một trong những rủi ro trọng yếu của ngành ngân hàng hiện nay”- các chuyên gia FiinRatings cho hay.
Điểm hỗ trợ góp phần làm giảm xu hướng gia tăng của nợ xấu và giảm áp lực trích lập dự phòng cho ngân hàng là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt như chính sách cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong Thông tư 02/2023/TT-NHNN từ tháng 4 năm 2023.
Tính đến cuối năm 2023, nợ xấu điều chỉnh (bao gồm NPL nội bảng và VAMC) của các ngân hàng TMCP đang hoạt động (không thuộc diện kiểm soát đặc biệt) được ước tính ở mức trên 2%, tương đương so với con số của năm 2022, nhưng có sự giảm nhẹ so với 1H2023.
Tuy nhiên, cần lưu ý mức tỷ lệ nợ xấu này chưa bao gồm các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn từ các cam kết ngoại bảng cũng như các khoản nợ được các ngân hàng chủ động tái cấu trúc trước với doanh nghiệp (với lý do khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng), hay tái cấu trúc theo Thông tư 02. Do đó, FiinRatings nhận định con số này chưa thực sự phản ánh đầy đủ tình hình chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, việc nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng cao trong năm 2023 ở một số ngân hàng là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng này có thể phải đối mặt với áp lực đáng kể trong vòng 12 tháng tới. Do vậy, mặc dù đánh giá về rủi ro hệ thống ở mức tương đối thấp, FiinRatings kỳ vọng chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ chưa cho thấy sự cải thiện ngay trong năm 2024.
Về pháp lý, FiinRatings kỳ vọng việc sửa đổi luật các tổ chức tín dụng sẽ góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ các ngân hàng trong công cuộc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt với tài sản bảo đảm liên quan tới bất động sản.
Cơ sở nào kỳ vọng nền kinh tế phục hồi?
FiinRatings cũng cho rằng, sẽ có những thách thức và rủi ro cho việc hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó có thể kể tới: Nền kinh tế của Trung Quốc, đối tác chiếm 25% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, phục hồi yếu hơn kỳ vọng. Trong năm 2023, tình trạng giảm phát đã xảy ra tại Trung Quốc với tốc độ tương tự như sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với các dòng vốn FDI hiện tại và thu hút vốn mới. Các cuộc xung đột địa chính trị có thể diễn biến phức tạp và leo thang, ví dụ như chiến tranh Nga và Ukraine, xung đột giữa Israel và Hamas tại Trung Đông.
Năm 2024 và sẽ là năm bản lề trước khi các bộ luật của các ngành kinh tế trọng điểm có hiệu lực, và sẽ là năm cảm nhận tác động các chính sách tài khóa và tiền tệ. Hiệu ứng lan tỏa của chính sách tài khóa, cùng với sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất ở mức thấp là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và cải thiện.
Về chính sách tài khóa, nhu cầu tiêu dùng nội địa năm 2023 còn yếu với mức tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ khoảng 9,6%, thấp hơn mức tăng của những năm trước đại dịch do làn sóng sa thải, cắt giảm lương nhân sự ở nhiểu doanh nghiệp và những lo ngại về lạm phát. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm, Chính phủ đã đưa các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Ước tính, giá trị các gói hỗ trợ này đạt 200 nghìn tỷ VND trong năm 2023, và lũy kế hơn 700 nghìn tỷ tính từ năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2023 ở mức 4%, thấp hơn mức 4,42% do Quốc hội cho phép. Đến cuối 2023, nợ công khoảng 4 triệu tỷ VND, tương đương với khoảng 39-40% GDP, tăng nhẹ so với năm 2022, và vẫn còn cách khá xa mức trần 60% do Quốc hội đề ra đến năm 2030. So sánh với các quốc gia trong khu vực Philipines (57%), Thái Lan (61%) hay Malaysia (67%), mức dư địa cho các chính sách tài khóa mở rộng của Việt Nam vẫn còn nhiều, được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Với các chính sách điều hành hợp lý, tỷ giá được giữ ở mức tương đối ổn định, hấp thụ được các tác động từ bên ngoài trong năm 2023. Biên độ dao động tỷ giá đồng VND so với USD trong năm, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 2,1%. Sự ổn định của tỷ giá được kỳ vọng được tiếp tục duy trì với một số điểm thuận lợi như cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư, cầu ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu không tăng do nhu cầu còn yếu; Kiều hối tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 16 tỷ USD (+32% so với cùng kỳ); Dòng tiền từ các hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI và mua bán vốn cổ phần duy trì.
Về lãi suất, FiinRatings cũng cho rằng dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế, khi mặt bằng lãi suất huy động tính đến cuối tháng 12/2023 đã giảm về mức thấp, tương đương giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt tại Việt Nam, đồng thời kỳ vọng chung rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (“FED”) sẽ cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2024, FiinRatings cho rằng mặt lãi suất tiền gửi tại Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ở mặt bằng thấp. Đồng thời, do phần bù rủi ro tăng lên nên các ngân hàng cần bộ đệm rủi ro cao hơn, lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm tương ứng mà chỉ giảm nhẹ.