VN-Index mất đà sau mốc 1.340 điểm, chuyên gia gọi tên mã nào để “vượt sóng”?

Phùng Xuân

(Thị trường tài chính) - Sau khi bứt phá mạnh trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3, VN-Index đã đối mặt với đợt điều chỉnh sâu trước những áp lực quốc tế và tâm lý thận trọng gia tăng. Bước sang tháng 4, thị trường được kỳ vọng sẽ tìm lại sự ổn định nhờ các yếu tố hỗ trợ vĩ mô và dòng vốn nội địa.

VN-Index mất đà sau khi tiến sát 1.340 điểm

Sau khi duy trì sự tích cực, tiến sát mốc 1.340 điểm trong nửa đầu tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn đi ngang và giảm điểm do nhà đầu tư thận trọng trước bối cảnh lãi suất Mỹ neo cao và những bất ổn thương mại với Mỹ. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh, với tổng giá trị bán lũy kế từ đầu năm lên tới 25,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD).

Một điểm đáng chú ý là dòng vốn ngoại rút ra khỏi những cổ phiếu công nghệ như FPT, tương tự xu hướng chốt lời cổ phiếu công nghệ trên thị trường Mỹ sau khi Trung Quốc tung ra mô hình AI giá rẻ DeepSeek. Ngoài ra, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang cùng chính sách thuế đối ứng 46% do Tổng thống Trump đề xuất cũng tạo áp lực tâm lý đáng kể, khiến VN-Index điều chỉnh mạnh về vùng hỗ trợ thấp hơn.

Bất chấp xu hướng điều chỉnh chung, ngành bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường. Các cổ phiếu lớn như VHM và VIC lần lượt tăng 24,5% và 40,8% trong tháng 3, nhờ tiến triển pháp lý tích cực tại các dự án trọng điểm như Green Paradise (Cần Giờ) và Green City (Cam Ranh).

Trong khi đó, VinFast tiếp tục thể hiện sức mạnh khi bàn giao hơn 23.000 xe tại Việt Nam chỉ trong 2 tháng đầu năm, vượt xa thành tích 22.000 xe trong 6 tháng năm 2024. Song song, Vinpearl cũng đang đẩy nhanh tiến trình hoàn tất các thủ tục để tái niêm yết trên HoSE.

Trong tháng 3, thanh khoản thị trường có xu hướng tăng đầu tháng nhưng giảm dần về cuối tháng. Giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn đạt 22.700 tỷ đồng, tăng 27,3% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ tuần thứ ba của tháng, giá trị giao dịch có dấu hiệu suy giảm, phản ánh sự thận trọng khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự 1.340 điểm và đối mặt với rủi ro từ chính sách thuế của Mỹ cũng như mùa công bố kết quả kinh doanh quý I.

VN-Index mất đà sau mốc 1.340 điểm, chuyên gia gọi tên mã nào để “vượt sóng”? - ảnh 1

VN-Index mất đà sau khi tiến sát 1.340 điểm

Chọn cổ phiếu nào hạn chế rủi ro?

Bước vào tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục trải qua những biến động ngắn hạn khi các yếu tố vĩ mô và chính sách quốc tế vẫn còn nhiều bất định.

Cụ thể, thuế đối ứng 46% từ Mỹ là rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn, tạo sức ép lên tâm lý thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam đang chủ động đàm phán để tìm kiếm giải pháp giảm mức thuế này. Bất kỳ thông tin tích cực nào trong đàm phán đều có thể hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư và thúc đẩy VN-Index hồi phục.

Ngoài ra, thị trường cũng sẽ phản ứng với các số liệu kinh tế quý I/2025 như GDP, CPI và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Một kết quả khả quan sẽ củng cố niềm tin vào khả năng tăng trưởng kinh tế, tạo nền cho thị trường.

Trong nước, mùa đại hội cổ đông diễn ra dày đặc trong tháng 4, với nhiều doanh nghiệp dự kiến công bố kế hoạch tăng trưởng, chia cổ tức hoặc mở rộng kinh doanh. Những doanh nghiệp có kế hoạch khả thi, nền tảng tài chính vững mạnh sẽ thu hút dòng tiền chọn lọc.

VN-Index mất đà sau mốc 1.340 điểm, chuyên gia gọi tên mã nào để “vượt sóng”? - ảnh 2
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại VNDIRECT

Mặt bằng lãi suất Mỹ tuy vẫn ở mức cao, nhưng kỳ vọng về hai đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong nửa cuối năm 2025 vẫn duy trì, mở ra cơ hội cho dòng vốn ngoại quay trở lại các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại VNDIRECT, nhận định: "Thị trường hiện đã điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn. Nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá lại danh mục, tránh bán tháo, và có thể tận dụng các nhịp hồi kỹ thuật để tái cơ cấu, giảm đòn bẩy và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi trung hạn”.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, ông  Đinh Quang Hinh cho rằng, nhà đầu tư nên duy trì tâm thế thận trọng và linh hoạt trong chiến lược giao dịch. “Trước tiên, việc hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính ở thời điểm này là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro. Khi thị trường chưa xác lập xu hướng rõ ràng, việc sử dụng margin cao có thể khiến nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng bán giải chấp nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh”, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại VNDIRECT khuyến cáo.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên giải ngân vào các ngành nghề ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ căng thẳng thương mại quốc tế và có nội lực vững chắc. Cụ thể, nhóm ngân hàng như HDB và VCB đang được hưởng lợi từ chính sách ổn định lãi suất và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025. Các cổ phiếu này không chỉ có định giá hợp lý mà còn duy trì hiệu quả sinh lời cao với ROE hai chữ số.

Ở lĩnh vực bất động sản nhà ở, cổ phiếu NLG là lựa chọn đáng chú ý khi thị trường kỳ vọng các tiến triển pháp lý sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai dự án. Song song đó, nhóm ngành bán lẻ (MWG) và điện (POW, PC1) cũng được đánh giá tích cực nhờ hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng nội địa hồi phục và nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa hè.

Ngoài ra, đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh trong năm 2025, với những cái tên nổi bật như HHV, vốn đang nắm giữ nhiều dự án hạ tầng trọng điểm. Nhà đầu tư có thể xem xét nhóm cổ phiếu này để đón đầu xu hướng giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ trong các quý tới.

Cuối cùng, ông Đinh Quang Hinh cho rằng, trong bối cảnh thị trường biến động, việc chọn lọc các cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao như BMP, VNM, QNS, GAS cũng là chiến lược hợp lý. Các cổ phiếu này không chỉ giúp tạo dòng tiền ổn định cho danh mục mà còn mang lại sự an toàn trong những giai đoạn thị trường thiếu động lực tăng trưởng mạnh.