HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Thời ngân hàng bán nợ chục lần vẫn ế

Thảo Nguyên

(Thị trường tài chính) - Một số nhà băng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp “bỗng dưng bốc hơi” do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu.

Hạ giá vẫn ế

Gần đây, trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc. Không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay.

VietinBank vừa thông báo đấu giá lần thứ 8 đối với tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp. Hiện doanh nghiệp này đang có dư nợ gần 570 tỷ đồng, trong đó nợ gốc trên 327 tỷ đồng, còn lại là tiền lãi phát sinh. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là các quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thi công công trình, quyền tài sản khác và 20 quyền sử dụng đất tại Đồng Nai.

Thời ngân hàng bán nợ chục lần vẫn ế - ảnh 1
Nhiều tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại VietinBank thông báo đấu giá nhiều lần vẫn không có người mua

Trong khi đó, giá khởi điểm cho tài sản bảo đảm theo thông báo lần này chỉ còn hơn 156,5 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với mức giá được đưa ra trong lần đấu giá đầu tiên vào tháng 7 vừa qua là hơn 327 tỷ đồng và chỉ bằng gần 1/4 so với dư nợ của doanh nghiệp.

Không chỉ bán nợ mà nhiều tài sản đảm bảo là ô tô, kho bồn chứa, quyền sử dụng đất… cũng được ngân hàng rao bán để thu hồi nợ. Đầu tháng 11, VietinBank chi nhánh Khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) rao bán tài sản đảm bảo là ô tô con nhãn hiệu Toyota Land Cruiser, cấp ngày 8/9/2022. Xe có giá khởi điểm là 2,070 tỷ đồng.

Chỉ trong tháng 10, VIB ra tới 40 thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… của khách hàng.

Hay MSB cũng thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty CP tư vấn xây dựng và thương mại HTTC do không trả nợ đúng hạn, nên MSB thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lo ngại. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo rất gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ.

“Với các ngân hàng có vốn Nhà nước, việc thanh lý tài sản bảo đảm còn khó khăn hơn, do Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cách thức thẩm định giá khoản nợ, gây nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro. Bởi trong thời kỳ suy giảm của thị trường bất động sản, nhiều trường hợp giá trị tài sản xuống thấp hơn dư nợ gốc khiến ngân hàng e ngại khi ra quyết định phát mại tài sản vì sợ thất thoát vốn vay sau khi thu hồi nợ” - ông Hùng chia sẻ thêm.

Nhiều ngân hàng TMCP cho hay, thị trường BĐS “đóng băng” đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác xử lý nợ của ngân hàng, trong khi nợ xấu tăng lên rất nhanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng.

Không chỉ vậy, theo phản ánh từ phía ngân hàng, một số nhà băng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp “bỗng dưng bốc hơi” do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu. Đứng trước áp lực nặng nề về nợ xấu và xử lý nợ xấu, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho rằng, người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất, cơ quan quản lý có những quy định về quyền đòi nợ, xử lý nợ. Do đó, ông Vinh cho rằng, ngân hàng có quyền được đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ.

Nợ xấu có nguy cơ phình to

Theo thống kê, hầu hết ngân hàng đều đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng nhanh. Tổng nợ xấu cuối quý III/2023 của các ngân hàng tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số này chưa phản ánh hết thực chất nợ xấu của ngân hàng. Báo cáo của NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%.

Nhiều chuyên gia kinh tế có chung quan điểm, hiện tỷ lệ nợ xấu mở rộng phần nào cho thấy… nợ xấu chưa đạt đỉnh.

Nợ xấu cũ chưa được xử lý xong thì có thể có thêm nợ xấu mới. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay. Tuy nhiên, hoạt động xử lý nợ xấu có thể tiếp tục gặp khó khăn do thị trường BĐS “đóng băng”, trong khi BĐS là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. Nợ xấu của ngành ngân hàng được dự báo có thể sẽ “đạt đỉnh” vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Theo nhận định của SSI Research, áp lực nợ xấu trong năm 2024 tương đối cao. Bà Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Phân tích Cổ phiếu - Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư - Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết: "Do các chính sách giãn hoãn, tái cơ cấu nợ thì có thể hiểu, con số nợ xấu trên báo cáo tài chính của các ngân hàng năm 2023 vẫn chưa phản ánh được hết tình hình thực tế và một phần nợ xấu có thể được trì hoãn và ghi nhận sang năm 2024. Do đó, chúng tôi đánh giá áp lực nợ xấu vẫn tương đối cao trong năm 2024".

“Năm 2023, khi nền kinh tế trì trệ với tăng trưởng GDP khoảng 5% thì vấn đề nợ xấu là hậu quả. Bởi nền kinh tế trì trệ khiến các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn dẫn đến vấn đề trả nợ, phát sinh nợ xấu là điều không tránh khỏi. Do đó, nợ xấu trong năm 2024 có thể để gia tăng so với năm 2023 và nó trở thành một gánh nặng của ngành ngân hàng"- TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, về hành lang pháp lý, NHNN đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Đối với đề nghị kéo dài thời gian Thông tư 02, NHNN sẽ xem xét. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, có thể xem xét kéo dài Thông tư 02 thêm tối đa một năm - đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi.

Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với Thông tư 02, đồng thời rà soát lại một số thông tư như Thông tư số 03/2023, Thông tư số 06/2023 và Thông tư số 10/2023, nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Các cơ quan nên tận dụng việc sửa đổi luật các tổ chức tín dụng đang diễn ra để xây dựng các khuôn khổ phát triển thị trường mua bán nợ và tăng các quy định giám sát, xử lý thanh khoản ngân hàng. (Trưởng đoàn giám sát về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ khu vực, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF Paulo Medas)