HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Thủ tướng đặt hàng doanh nghiệp lớn: Tăng tốc đổi mới sáng tạo, đột phá hạ tầng, công nghệ

Lệ Giang

(Thị trường tài chính) - Tại cuộc gặp gỡ giữa Thường trực Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển đất nước. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp lớn như Thaco, Hòa Phát, FPT,… tiên phong trong đổi mới, đóng góp vào hạ tầng, công nghệ và công nghiệp hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thủ tướng đặt hàng doanh nghiệp lớn: Tăng tốc đổi mới sáng tạo, đột phá hạ tầng, công nghệ - ảnh 1
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Giai đoạn 2021 - 2025 đã chứng kiến những biến động sâu sắc của kinh tế toàn cầu và trong nước. Đại dịch COVID-19, chiến tranh và xung đột quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, cùng với những khó khăn nội tại đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Riêng năm 2024, Việt Nam đã đối mặt với cơn bão số 3 (Yagi), sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ảnh hưởng đến tình hình chính trị và kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09%, nằm trong nhóm cao nhất khu vực. Xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế thương mại lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần đạt mức GDP tối thiểu 8% trong năm 2025 và tiến tới hai con số trong những năm tiếp theo. Điều này đòi hỏi sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cam kết sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng đặt hàng doanh nghiệp lớn: Tăng tốc đổi mới sáng tạo, đột phá hạ tầng, công nghệ - ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đăng ký làm, đề xuất cơ chế, miễn là không tư lợi, không tham nhũng, tiêu cực

Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng đã giao những nhiệm vụ quan trọng cho một số doanh nghiệp lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong khi Tập đoàn Trường Hải (THACO) được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao; Hòa Phát đảm nhận việc sản xuất ray đường sắt, đóng góp vào các dự án hạ tầng giao thông chiến lược thì FPT được giao trọng trách đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế và phát triển chip bán dẫn, tạo nền móng cho ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT THACO Trần Bá Dương cam kết sẽ tận dụng nền tảng công nghiệp sẵn có để tham gia sản xuất toa tàu và các cấu kiện thép cho đường sắt đô thị. Đồng thời, THACO tiếp tục mở rộng sản xuất ô tô, tập trung vào xe lai (hybrid), góp phần giảm phát thải và phát triển ngành công nghiệp xanh. Trong lĩnh vực cơ khí - công nghiệp hỗ trợ, THACO đang đẩy mạnh xuất khẩu và sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương vào tháng 9/2025 với quy mô 700 ha, nhằm thúc đẩy nội địa hóa và giảm chi phí logistics.

Thủ tướng đặt hàng doanh nghiệp lớn: Tăng tốc đổi mới sáng tạo, đột phá hạ tầng, công nghệ - ảnh 3
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hòa Phát, dưới sự lãnh đạo của ông Trần Đình Long, đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 15% trong giai đoạn 2025 - 2030. Ông đề xuất Chính phủ xem xét khai thác mỏ sắt Thạch Khê - mỏ lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng 500 triệu tấn để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ. Ngoài ra, Hòa Phát cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng vào nhà máy sản xuất ray đường sắt, đáp ứng nhu cầu khoảng 10 triệu tấn thép cho các dự án hạ tầng giao thông trong nước.

Tập đoàn FPT dưới sự dẫn dắt của ông Trương Gia Bình, tập trung vào việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chip bán dẫn. Ông đề xuất Chính phủ đưa AI vào chương trình giáo dục chính thống, từ bậc tiểu học đến đại học, để nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. FPT cam kết đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu AI, phát triển chip và hợp tác với các đối tác quốc tế để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ trong khu vực.

Thủ tướng đặt hàng doanh nghiệp lớn: Tăng tốc đổi mới sáng tạo, đột phá hạ tầng, công nghệ - ảnh 4
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Doanh nghiệp tư nhân phải thực sự trở thành "đầu tàu”

Không chỉ dừng lại ở các tập đoàn lớn, Thủ tướng khẳng định rằng mọi doanh nghiệp, từ quy mô nhỏ đến lớn, đều có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Việt Nam hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 60% GDP. Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chính sách hỗ trợ như miễn thuế trước bạ cho doanh nghiệp ô tô, miễn thuế VAT, giảm chi phí thuê đất.

Các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, điện hạt nhân, khai thác không gian biển và vũ trụ cũng đang được triển khai mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tư nhân tham gia. Điều này đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo và cam kết dài hạn từ phía doanh nghiệp, không ngại đảm nhận các nhiệm vụ khó khăn nhưng mang lại giá trị lớn cho đất nước.

Thủ tướng đặt hàng doanh nghiệp lớn: Tăng tốc đổi mới sáng tạo, đột phá hạ tầng, công nghệ - ảnh 5
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát: Hòa Phát xin hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế. Để làm được điều đó, doanh nghiệp tư nhân phải thực sự trở thành "đầu tàu", không chỉ bứt phá trong tăng trưởng mà còn tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nâng tầm vị thế quốc gia. Các doanh nghiệp cần tiên phong trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa để cùng phát triển.

Chính phủ cũng cam kết sẽ tiếp tục cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, thúc đẩy đầu tư công và đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP). Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp "đăng ký làm, đề xuất cơ chế, miễn là không tư lợi, không tham nhũng, tiêu cực".

Cuộc gặp mặt đầu Xuân giữa Chính phủ và doanh nghiệp không chỉ là dịp để lắng nghe, chia sẻ mà còn đặt ra những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.