Saigonbank lỗ kỷ lục trong quý IV/2024, nợ xấu gia tăng
(Thị trường tài chính) - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với kết quả kinh doanh kém khả quan, ghi nhận khoản lỗ lớn nhất trong nhiều năm qua do sự sụt giảm mạnh của các chỉ tiêu quan trọng.
Trong quý IV/2024, thu nhập lãi thuần của Saigonbank chỉ đạt hơn 52 tỷ đồng, giảm đến 77% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu ngoài lãi cũng không mấy khả quan: lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 20% còn 8,3 tỷ đồng, trong khi lãi từ các hoạt động khác chỉ đạt hơn 48 tỷ đồng, giảm tới 71%.
Ngược lại, chi phí hoạt động của ngân hàng lại tăng 15% lên gần 157 tỷ đồng. Sự kết hợp của doanh thu giảm và chi phí gia tăng khiến Saigonbank lỗ thuần hơn 61 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, trái ngược với mức lãi thuần 252 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
![Saigonbank lỗ kỷ lục trong quý IV/2024, nợ xấu gia tăng - ảnh 1](https://statictttc.kinhtedothi.vn/zoom/1000/uploaded/lely/2025_02_09/saigonbank_ojnp.jpg)
Dù ngân hàng đã cắt giảm mạnh 70% chi phí dự phòng rủi ro, xuống còn 52 tỷ đồng, nhưng vẫn không thể tránh được khoản lỗ trước thuế gần 114 tỷ đồng trong quý IV.
Tính chung năm 2024, Saigonbank chỉ đạt gần 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 70% so với năm 2023 và chỉ hoàn thành 27% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Nợ xấu cũng có xu hướng gia tăng. Tính đến cuối năm, nợ xấu nội bảng của ngân hàng lên tới 580 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng vọt 73%, chạm mốc 400 tỷ đồng và chiếm tới 69% tổng nợ xấu. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng gần 2,7 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay theo đó tăng lên 2,66%, cao hơn mức 2,02% hồi đầu năm.
Mặc dù lợi nhuận suy giảm, tổng tài sản của Saigonbank vẫn đạt 33.260 tỷ đồng vào cuối năm 2024, tăng 5,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,4% lên 21.623 tỷ đồng, còn tiền gửi khách hàng đạt 24.413 tỷ đồng, tăng 3,6%. Vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 3.388 tỷ đồng.
Với quy mô hiện tại, Saigonbank vẫn là ngân hàng nhỏ nhất trên thị trường chứng khoán về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi và vốn điều lệ.
Theo báo cáo quản trị năm 2024 của Saigonbank, 4 đơn vị khác đang là cổ đông lớn tại nhà băng, gồm Văn phòng thành ủy TP HCM sở hữu 18,18%, Công ty một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm 16,64%, Công ty một thành viên Dầu khí TP HCM nắm 14,08%, Công ty một thành viên Du lịch TM Kỳ Hòa sở hữu 16,35%.
Trước đó, Công ty cổ phần Đại Cát ngày 8/1 hoàn tất mua, nhận chuyển nhượng hơn 16,75 triệu cổ phiếu tại Saigonbank. Trước giao dịch này, Đại Cát cũng sở hữu số lượng xấp xỉ 16,75 triệu cổ phiếu SGB của nhà băng này, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 4,9%. Sau giao dịch, Đại Cát nâng sở hữu lên gần 9,9% vốn Saigonbank và trở thành cổ đông lớn.