Nền kinh tế lớn nhất châu Á ‘lung lay’: Khủng hoảng bất động sản bước vào 'giai đoạn nguy hiểm', dòng vốn nước ngoài có nguy cơ tháo chạy
(Thị trường tài chính) - Thị trường nhà ở Trung Quốc chỉ phục hồi trong thời gian ngắn rồi lại lao dốc, bất chấp hàng loạt biện pháp kích thích từ Chính phủ.
Sau bốn năm chứng kiến các tập đoàn bất động sản như China Evergrande vỡ nợ, đến cuối tháng 1/2024, Trung Quốc quyết định không thể để China Vanke - một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất còn trụ vững - sụp đổ.
Khi giá trái phiếu của Vanke giảm mạnh và công ty dự báo khoản lỗ kỷ lục 6,2 tỷ USD, chính quyền Thâm Quyến đã vào cuộc, kiểm soát hoạt động và hỗ trợ tài chính.
Sự can thiệp này giúp thị trường tạm thời ổn định, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy một thực tế đáng lo ngại: Cuộc khủng hoảng bất động sản đã làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc và đẩy khoản nợ xấu lên gần 160 tỷ USD – lớn nhất thế giới có vẻ ngày càng xấu đi.
![Nền kinh tế lớn nhất châu Á ‘lung lay’: Khủng hoảng bất động sản bước vào 'giai đoạn nguy hiểm', dòng vốn nước ngoài có nguy cơ tháo chạy - ảnh 1](https://statictttc.kinhtedothi.vn/zoom/1000/uploaded/tranthihuyentrang/2025_02_12/20210305residentialbuildingsdevelopedbyevergrandeinyuanyang_qvag.jpg)
Những tín hiệu nguy hiểm ngày càng rõ rệt
Thị trường nhà ở Trung Quốc chỉ phục hồi trong thời gian ngắn rồi lại lao dốc, bất chấp hàng loạt biện pháp kích thích từ Chính phủ. Các ngân hàng gần như ngừng cho vay đối với các dự án bên ngoài các thành phố lớn như Thượng Hải, trong khi các chủ nợ quốc tế ngày càng mất kiên nhẫn. Hơn một chục tập đoàn bất động sản lớn, bao gồm cả Country Garden, đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Tình hình còn ảnh hưởng đến Hồng Kông khi số lượng du khách và người mua nhà từ Trung Quốc đại lục giảm mạnh. Tập đoàn New World Development, một công ty bất động sản khổng lồ do một trong những gia đình giàu nhất khu vực này kiểm soát cũng đang bán bớt tài sản và thế chấp bất động sản để đối phó với thua lỗ.
Nếu Bắc Kinh không có biện pháp quyết liệt để khôi phục niềm tin vào thị trường bất động sản trị giá 15 nghìn tỷ USD, tình hình có thể khiến dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy khỏi Trung Quốc. Huan Li, đồng sáng lập quỹ đầu cơ Forest Capital Hong Kong Ltd. (quản lý 200 triệu USD), cho rằng: “Việc hỗ trợ Vanke là tín hiệu tốt, nhưng cần có thêm nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn”.
Chính sách can thiệp
Chính phủ Trung Quốc muốn chuyển hướng nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào bất động sản sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ. Nhưng việc siết chặt quản lý tài chính đã khiến thị trường sụp đổ, làm mất đi khoảng 18 nghìn tỷ USD tài sản của hộ gia đình. Giá nhà trung bình giảm 30% so với đỉnh năm 2021 và tỷ trọng ngành bất động sản trong GDP giảm từ 24% xuống 19%.
Sau khi Evergrande vỡ nợ vào năm 2021, Bắc Kinh tập trung vào việc đảm bảo người mua nhà nhận được căn hộ đã đặt mua, thay vì cứu trợ trực tiếp các tập đoàn bất động sản. Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước mua lại căn hộ chưa bán được, đồng thời hạ lãi suất vay mua nhà xuống mức thấp kỷ lục 3,1%.
Dù vậy, các biện pháp này vẫn chưa đủ. Tổng doanh số nhà ở Trung Quốc tiếp tục giảm 3,2% trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước. Doanh số của Vanke dù tăng trong quý IV/2023 nhưng vẫn chưa đủ để giảm bớt gánh nặng nợ nần.
![Nền kinh tế lớn nhất châu Á ‘lung lay’: Khủng hoảng bất động sản bước vào 'giai đoạn nguy hiểm', dòng vốn nước ngoài có nguy cơ tháo chạy - ảnh 2](https://statictttc.kinhtedothi.vn/zoom/1000/uploaded/tranthihuyentrang/2025_02_12/dd-1504_ntlv.jpg)
Vanke là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, nổi tiếng với việc xây dựng các khu căn hộ cho tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, công ty đang đối mặt với 4,9 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào năm 2025. Nếu Vanke sụp đổ, niềm tin vào các doanh nghiệp nhà nước khác như Poly Developments và China Overseas Land & Investment cũng sẽ lung lay.
Chính quyền Thâm Quyến đã bổ nhiệm một quan chức từ Shenzhen Metro Group - cổ đông lớn nhất của Vanke - làm Chủ tịch công ty. Đồng thời, Shenzhen Metro cũng cung cấp khoản vay 2,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 383 triệu USD) để hỗ trợ Vanke.
Dù vậy, chỉ số chính theo dõi cổ phiếu của các công ty bất động sản lớn tại Trung Quốc đã giảm khoảng 9% từ đầu năm đến nay.
Zhu Ning, Giảng viên tại Đại học Yale và tác giả cuốn China's Guaranteed Bubble về những thách thức của ngành ngân hàng, tài chính và bất động sản Trung Quốc, nhận định: “Chính phủ đã có động thái tích cực ban đầu, nhưng các biện pháp này chưa đủ và diễn ra quá chậm. Điều đáng lo nhất là tâm lý bi quan đang bao trùm thị trường nhà ở”.
Cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nặng nề đến Hồng Kông. Tập đoàn New World Development, vốn đã vay nợ lớn để đầu tư vào các dự án thương mại và bán lẻ, đang lao đao khi lượng khách từ đại lục giảm sút. Giá trị bất động sản thương mại ở Hồng Kông đã giảm hơn 40% so với mức đỉnh năm 2018.
Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần một gói kích thích kinh tế toàn diện thay vì chỉ tập trung vào bất động sản. Với lạm phát thấp và tỷ lệ tiết kiệm cao, nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào chu kỳ giảm phát dài nhất kể từ những năm 1960. Nếu không có những biện pháp mạnh tay từ Bắc Kinh, khủng hoảng bất động sản có thể tiếp tục làm suy yếu tiêu dùng trong nước và cản trở mục tiêu tăng trưởng 4,5% cho năm 2024.