Nhiều sinh viên giỏi nhất Hàn Quốc từ chối làm việc cho Samsung để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ lương hơn 4 tỷ đồng/năm
(Thị trường tài chính) - Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, thu nhập trung bình hàng năm của bác sĩ nước này vào năm 2020 là 230,7 triệu won (159.000 USD), gấp hơn 3 lần so với mức lương 70 triệu won (48.000 USD) mà nhân viên tại các tập đoàn lớn kiếm được.
Những sinh viên giỏi nhất ở Hàn Quốc đang từ bỏ ngành kỹ thuật và đổ xô vào các trường y, dù ngành bán dẫn vẫn là trụ cột của nền kinh tế quốc gia này. Ngay cả việc đảm bảo việc làm tại các công ty công nghệ lớn như Samsung Electronics và SK Hynix sau khi tốt nghiệp cũng không đủ để giữ chân họ ở lại với các chương trình bán dẫn.
![Nhiều sinh viên giỏi nhất Hàn Quốc từ chối làm việc cho Samsung để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ lương hơn 4 tỷ đồng/năm - ảnh 1](https://statictttc.kinhtedothi.vn/zoom/1000/uploaded/tranthihuyentrang/2025_02_11/screen_shot_2025-02-11_at_17_23_34_jekd.png)
Một phân tích gần đây của Jongno Hangwon, một Học viện giáo dục tư nhân hàng đầu chuyên về luyện thi Đại học, cho thấy 138 sinh viên trúng tuyển vào các khoa bán dẫn hàng đầu của Hàn Quốc cuối cùng đã từ chối suất học của mình cho năm học 2024. Các chương trình này cung cấp cho sinh viên việc làm trực tiếp tại các công ty lớn sau khi tốt nghiệp, nhưng số lượng sinh viên bỏ học đã chiếm gần gấp đôi số suất học còn lại.
Bác sĩ kiếm tiền gấp 2-3 lần kỹ sư ở Hàn Quốc
Một yếu tố chính đằng sau xu hướng này là bác sĩ kiếm được nhiều tiền hơn nhiều so với kỹ sư ở “xứ sở kim chi”. Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, thu nhập trung bình hàng năm của bác sĩ vào năm 2020 là 230,7 triệu won (gần 159.000 USD, tức hơn 4 tỷ đồng), gấp hơn 3 lần so với 70 triệu won (hơn 48.000 USD) mà nhân viên tại các tập đoàn lớn kiếm được và gần gấp đôi so với mức lương 130 triệu won (hơn 89.000USD) mà nhân viên tại Samsung Electronics và SK Hynix – hai tập đoàn bán dẫn lớn nhất nhì Hàn Quốc kiếm được.
![Nhiều sinh viên giỏi nhất Hàn Quốc từ chối làm việc cho Samsung để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ lương hơn 4 tỷ đồng/năm - ảnh 2](https://statictttc.kinhtedothi.vn/zoom/1000/uploaded/tranthihuyentrang/2025_02_11/image-38_twvi.jpeg)
Nhưng vấn đề không chỉ là tiền lương. Y khoa cũng mang lại sự ổn định công việc và uy tín vô song ở Hàn Quốc. Trong khi ngành công nghiệp bán dẫn bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và sự thay đổi công nghệ nhanh chóng, trở thành bác sĩ mang lại sự an toàn công việc trọn đời, vì không có độ tuổi nghỉ hưu chính thức cho bác sĩ tại đất nước Đông Á này.
Góp phần vào thực trạng thay đổi ấy là một chuyến biến lớn về chính sách khi Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm khoảng 2.000 suất bắt đầu từ năm 2025. Mặc dù động thái này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ các bác sĩ và sinh viên y khoa hiện tại trong năm 2024 vừa qua, nhưng nó đã làm gia tăng “cơn sốt” tuyển sinh vào trường y.
Các chương trình bán dẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên
Các chương trình hợp đồng bán dẫn của Hàn Quốc do các trường đại học hàng đầu hợp tác với Samsung Electronics và SK Hynix đang cảm nhận được tác động.
Tại Đại học Yonsei và Đại học Sungkyunkwan, nơi có các chương trình liên kết với Samsung Electronics, 78 sinh viên đã từ chối suất học của mình, cao gấp 1,7 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh ban đầu là 47 người.
Khoa Kỹ thuật bán dẫn hệ thống của Đại học Yonsei bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng vì thực trạng kể trên khi chứng kiến 65 sinh viên bỏ học, gấp 2,6 lần số suất tuyển sinh. Trong khi đó, Đại học Sungkyunkwan chứng kiến tỷ lệ bỏ học là 59%, với 13 trong số 22 sinh viên trúng tuyển dừng việchọc giữa chừng.
Các chương trình liên kết với SK Hynix cũng đang phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Tại Đại học Hàn Quốc, Đại học Hanyang và Đại học Sogang, 60 sinh viên đã từ chối lời mời nhập học, gấp đôi tổng số suất tuyển sinh. Chương trình của Đại học Hanyang có tỷ lệ bỏ học tồi tệ nhất, với 36 sinh viên bỏ học, gấp 3,6 lần chỉ tiêu ban đầu chỉ là 10 người.
Hàn Quốc là một cường quốc toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn khi cung cấp chip cho mọi thứ từ điện thoại thông minh (smartphone) đến hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng với việc nhiều sinh viên giỏi nhất từ bỏ ngành kỹ thuật, tình trạng thiếu hụt nhân tài trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) có thể đe dọa đến khả năng cạnh tranh lâu dài của đất nước được mệnh danh là “Hổ Đông Á” trong lĩnh vực này.
Mặc dù tỷ lệ đăng ký cao, trung bình có khoảng 7,3 thí sinh cạnh tranh cho mỗi suất học trong chương trình đào tạo về chất bán dẫn, nhưng số lượng sinh viên trúng tuyển để rồi cuối cùng lại từ chối theo học ngành này đến khi tốt nghiệp đang ngày càng tăng.
Ông Lim Sung-ho, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Học viện giáo dục Jongno Hagwon cho biết: “Sự bất ổn về kinh tế trong lĩnh vực bán dẫn và việc tăng tuyển sinh vào trường y có thể sẽ thu hút nhiều sinh viên hơn nữa theo học ngành y trong những năm tới”.
Theo The Korea Herald