Lãnh đạo tài chính toàn cầu 'nín thở' trước cuộc bầu cử Mỹ: Sự trở lại của ông Trump có thể đảo lộn kinh tế thế giới
(Thị trường tài chính) - Các lãnh đạo tài chính toàn cầu lo ngại rằng sự trở lại của Donald Trump với chính sách thương mại cứng rắn có thể làm gián đoạn hệ thống tài chính quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kết thúc ngày 27/10, các lãnh đạo tài chính đã tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế lớn như tăng trưởng chậm, nợ công cao và xung đột leo thang. Tuy nhiên, tâm điểm lo ngại lại hướng vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, đặc biệt là khả năng cựu Tổng thống Donald Trump quay lại nắm quyền.
Theo các cuộc thăm dò, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã rút ngắn khoảng cách và xóa bỏ ưu thế ban đầu của Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên Đảng Dân chủ. Điều này khiến nhiều quan chức tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu phải "nín thở" theo dõi diễn biến cuộc bầu cử, vì lo ngại rằng sự trở lại của ông Trump có thể đảo lộn hệ thống tài chính quốc tế.
Ông Trump đề xuất chính sách thương mại mạnh tay, với ý định áp thuế 10% lên tất cả hàng nhập khẩu và lên tới 60% đối với Trung Quốc. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda, "mọi người đang lo ngại về việc ai sẽ là Tổng thống Mỹ tiếp theo và những chính sách nào sẽ được thực thi”.
Chính sách thuế của ông Trump nếu được triển khai có thể gây ra đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá cả leo thang và các động thái trả đũa thương mại. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhận xét: "Cuộc chiến thương mại Mỹ - EU sẽ chỉ khiến cả hai bên cùng thiệt hại”.
Để thu hút cử tri Mỹ, ông Trump cũng đưa ra các gói giảm thuế hào phóng cho cá nhân, miễn thuế cho tiền tip và làm thêm giờ, cùng trợ cấp hưu trí an sinh xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những ưu đãi này sẽ khiến nợ công Mỹ tăng thêm ít nhất 7.500 tỷ USD trong thập kỷ tới, ngoài dự báo tăng 22 nghìn tỷ USD đến năm 2034 của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ.
Ở chiều ngược lại, bà Kamala Harris cam kết sẽ tiếp nối chính sách của Tổng thống Joe Biden về hợp tác đa phương trong các vấn đề như khí hậu, thuế doanh nghiệp và cải cách ngân hàng phát triển. Chính sách của bà cũng có khả năng làm gia tăng nợ công nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với ông Trump. Chính quyền Biden đã duy trì mức thuế của ông Trump đối với hàng nhập khẩu thép, nhôm và hàng hóa Trung Quốc, đồng thời mở rộng thuế đối với các ngành công nghiệp mới của Trung Quốc như xe điện và năng lượng mặt trời. Bà Harris ủng hộ cách tiếp cận "có mục tiêu" này, chỉ trích kế hoạch thuế quan rộng rãi của ông Trump là áp lực tài chính nặng nề lên gia đình Mỹ.
Trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư cũng đặt cược vào sự trở lại của ông Trump, với chỉ số Dollar Index tăng 3,6% trong tháng 10 - mức tăng cao nhất trong hơn hai năm rưỡi qua. Nhà phân tích Steve Englander từ Standard Chartered ước tính 60% mức tăng này là do triển vọng của ông Trump trong cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, các lãnh đạo tài chính vẫn lo ngại về rủi ro nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng. Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cho rằng việc nợ công gia tăng có thể đẩy lãi suất dài hạn lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường mới nổi. Trong khi đó, các quan chức IMF cũng nhận định rằng cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu đã gần đạt được thành quả và việc thâm hụt ngân sách tăng có thể cản trở các nỗ lực duy trì ổn định tài chính.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử Mỹ là vấn đề nội bộ của quốc gia này, và IMF vẫn tập trung vào việc tìm giải pháp cho các thách thức kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng một cuộc chiến thương mại toàn cầu nổ ra dưới chính sách tăng thuế của ông Trump vẫn là một nỗi lo đáng kể, đặc biệt là khi nó có thể làm gián đoạn tiến trình hạ nhiệt lạm phát hiện nay.
Theo Reuters