Fed mạnh tay hạ lãi suất có thể mang tới lợi ích lớn cho hàng loạt nền kinh tế Đông Nam Á
(Thị trường tài chính) - Chuyên gia Shaurabh Agarwal nhận định: “Chúng tôi rất tự tin và lạc quan với việc Fed hạ lãi suất...các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ quay trở lại xu hướng tăng trưởng GDP thực 6-7% trong thời gian tới”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất hồi tháng 9, đồng thời phát tín hiệu sẽ hạ thêm trong thời gian tới. Điều này có thể sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, theo CNBC.
Shaurabh Agarwal - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư cổ phần tư nhân khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus nhận định: “Chúng tôi rất tự tin và lạc quan với việc Fed hạ lãi suất...các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ quay trở lại xu hướng tăng trưởng GDP thực 6-7% trong thời gian tới”.
Quan điểm này của ông Pincus nhận được sự đồng tình của các nhà kinh tế và quan chức tài chính ở Đông Nam Á.
David Sumual, Kinh tế trưởng của Bank Central Asia cho rằng Indonesia có thể hưởng lợi từ các chính sách tài chính của Mỹ, bất kể các chính sách đó nhằm mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn.
David Sumual nhận định việc Fed tiếp tục hạ lãi suất sẽ mang lại lợi ích cho Indonesia thông qua các kênh liên quan đến hàng hóa. Khi lãi suất giảm, giá hàng hóa toàn cầu có khả năng tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh có gói kích thích tài chính sắp được Trung Quốc đưa ra.
Ngoài ra, việc hạ lãi suất cũng có thể thu hút dòng vốn đầu tư vào Indonesia, đặc biệt là qua các danh mục đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Sumual cho biết tác động này có thể hạn chế hơn một chút, vì thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhờ các chính sách hỗ trợ kinh tế.
Thông thường, lãi suất cao hơn ở Mỹ thường gây áp lực tiêu cực lên các thị trường mới nổi, vì khi lãi suất tại Mỹ tăng, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển dòng vốn trở lại Mỹ để hưởng lợi từ mức lãi suất cao hơn.
Thêm nữa, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các quốc gia khác có thể khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi mất giá so với đồng USD, đặt ra thách thức đối với Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế mới nổi trong việc kiềm chế lạm phát.
Ngược lại, khi Mỹ hạ lãi suất, nó có thể thúc đẩy các thị trường mới nổi và dòng vốn chảy vào các quốc gia này có thể tăng trở lại. Giá hàng hóa cơ bản toàn cầu cũng có xu hướng tăng khi tỷ giá đồng USD giảm xuống do triển vọng ôn hòa hơn của Fed.
Indonesia
Hiện nay, Ngân hàng Trung ương của Indonesia và Thái Lan đang phải điều chỉnh chiến lược sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed. Động thái của Fed khiến các quốc gia này cân nhắc hạ lãi suất để duy trì sự cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư và giảm thiểu áp lực từ chênh lệch lãi suất với Mỹ.
Ngân hàng Indonesia đã có động thái đáng chú ý khi cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau ba năm, chỉ vài giờ trước khi Fed ra quyết định giảm lãi suất. Việc cắt giảm này được cho là bất ngờ vì trước đó, NHTW Indonesia đã duy trì chính sách lãi suất cao nhằm bảo vệ đồng rupiah và kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nước này dường như đã điều chỉnh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phù hợp với xu hướng lãi suất thấp trên toàn cầu và kỳ vọng về tăng trưởng đầu tư.
Trước khi Fed hạ lãi suất, ông Henry Wibowo - Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân hàng JPMorgan Chase nói rằng “ở châu Á, Indonesia sẽ là một trong những thị trường hưởng lợi chính từ dòng vốn đầu tư danh mục” liên quan tới việc Fed nới lỏng. Ông cho rằng cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Jakarta có thể sẽ là một trong những nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhiều nhất.
Ông Sumual cũng nói lãi suất ở Indonesia thường xuyên bám sát theo lãi suất của Fed vì nền kinh tế Indonesia chịu tác động từ dòng vốn toàn cầu và những biến động tiền tệ quốc tế. Khi Fed điều chỉnh lãi suất, dòng tiền quốc tế có xu hướng dịch chuyển, ảnh hưởng đến luồng vốn vào Indonesia và tỷ giá của đồng rupiah so với USD.
Việc điều chỉnh lãi suất theo Fed giúp Ngân hàng Trung ương Indonesia giảm thiểu những biến động mạnh của dòng vốn và tỷ giá, đồng thời hỗ trợ ổn định kinh tế trong nước.
David Sumual cho biết Ngân hàng Indonesia có thể chờ đợi Fed cắt giảm thêm lãi suất trước khi tiếp tục chính sách giảm lãi suất của mình. Điều này là vì phía ngân hàng đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa hai mục tiêu chính: ổn định chính sách tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp vĩ mô thận trọng.
Các đồng tiền rupiah của Indonesia và đồng baht Thái Lan đều đã có thời điểm tăng giá mạnh sau quyết định hạ lãi suất của Fed, một phần nhờ việc nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ và đổ vào các thị trường ở Đông Nam Á. Ngoài ra, các đồng ringgit của Malaysia, đôla Singapore cũng tăng giá so với USD sau khi Fed hạ lãi suất.
Thái Lan "tiến thoái lưỡng nan"
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã tiến hành hạ lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm.
Đồng baht Thái mạnh lên đã tạo ra tình thế khó khăn cho Thái Lan, vì đồng tiền mạnh làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu và hạn chế tăng trưởng kinh tế. Sau khi Fed cắt giảm lãi suất, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Pichai Naripthaphan, đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) xem xét cắt giảm lãi suất — hiện đang ở mức 2,5%, thuộc mức thấp so với các nước trong khu vực.
Ông Pichai nhấn mạnh rằng việc giảm lãi suất có thể giúp kích thích đầu tư và giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các hộ gia đình, một vấn đề đáng lo ngại vì nợ hộ gia đình đã đạt đến 90% GDP của Thái Lan. Việc hạ lãi suất có thể giúp người dân dễ dàng trả nợ hơn, hỗ trợ tiêu dùng nội địa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Pichai Naripthaphan giải thích mỗi khi Mỹ tăng hoặc giảm lãi suất, dòng vốn ra vào Thái Lan sẽ chịu tác động, gây ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng baht. Khi Fed hạ lãi suất, dòng vốn có thể chảy vào Thái Lan nhiều hơn, khiến đồng baht mạnh lên. Ngược lại, nếu Fed tăng lãi suất, dòng vốn có xu hướng chảy ra khỏi Thái Lan, làm đồng baht suy yếu.
Trong báo cáo công bố vào tháng 9, Fitch Ratings dự đoán rằng Fed sẽ thực hiện bốn lần cắt giảm lãi suất trước năm 2025 và dự kiến sẽ có thêm một lần cắt giảm lãi suất nữa trước khi kết thúc năm.
Đối với khu vực Đông Nam Á, các Ngân hàng Trung ương dường như sẽ theo sát động thái của Fed. David Sumual tin rằng Ngân hàng Indonesia và Ngân hàng Thái Lan sẽ có những quyết định tương tự để cắt giảm lãi suất, điều này có thể mang lại lợi ích bổ sung cho các danh mục tài sản tại các thị trường mới nổi trong khu vực.
Theo CNBC