Lần đầu tiên trong lịch sử: Trung Quốc thành công thử nghiệm biến CO2 thành oxy và nhiên liệu tên lửa, hỗ trợ sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng trước 2030
(Thị trường tài chính) - Lần đầu tiên, các phi hành gia Trung Quốc đã trình diễn công nghệ quang hợp nhân tạo trong không gian.
Theo báo cáo, Trung Quốc đã thành công trong việc tiến hành các thí nghiệm mô phỏng quá trình quang hợp, biến đổi khí carbon dioxide và nước thành oxy cùng các thành phần làm nhiên liệu tên lửa.
Đây là một bước tiến lớn đối với hành trình khám phá không gian dài hạn, khi công nghệ này mở ra khả năng sản xuất các nguồn tài nguyên thiết yếu ngay trong không gian.
Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, các thí nghiệm này được thực hiện bởi đội ngũ phi hành đoàn Shenzhou-19 hiện đang làm việc trên trạm không gian Thiên Cung.
12 thí nghiệm trên trạm vũ trụ
Oxy là yếu tố sống còn đối với sự sinh tồn của con người. Tuy nhiên, việc vận chuyển đủ lượng oxy cho các sứ mệnh không gian kéo dài lại cực kỳ tốn kém và phức tạp về mặt hậu cần. Do đó, Trung Quốc đã tiến hành các thí nghiệm nhằm sản xuất oxy ngay tại chỗ trong không gian để phục vụ khám phá và định cư lâu dài của con người.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu về “quang hợp nhân tạo ngoài trái đất” từ năm 2015.
Theo Cơ quan Không gian Có người lái Trung Quốc (CMS), một loạt 12 thí nghiệm đã được tiến hành trong một thiết bị có hình dạng như ngăn kéo trên quỹ đạo.
Các thí nghiệm này sử dụng các chất xúc tác bán dẫn để chuyển hóa carbon dioxide và nước thành oxy và ethylene. Ethylene, một hydrocarbon, có tiềm năng trở thành chất đẩy cho tàu vũ trụ.
“Công nghệ này mô phỏng quá trình quang hợp tự nhiên của thực vật xanh thông qua các phương pháp vật lý và hóa học được kỹ thuật hóa, tận dụng nguồn carbon dioxide trong không gian kín hoặc khí quyển ngoài trái đất để sản xuất oxy và nhiên liệu chứa carbon”, đài truyền hình quốc gia CCTV của Trung Quốc cho biết.
“Công trình này được kỳ vọng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho sự sinh tồn và khám phá của con người trong không gian”, CCTV bổ sung.
Thiết bị mới của Trung Quốc tiêu tốn ít năng lượng hơn
Công nghệ mới này hoạt động hiệu quả ở nhiệt độ và áp suất môi trường xung quanh, trái ngược hoàn toàn với các phương pháp truyền thống đòi hỏi điều kiện khắc nghiệt.
Theo SCMP, công nghệ này có tính linh hoạt cao trong việc sản xuất các sản phẩm. Thiết bị được thiết kế để nâng cấp ngay trên quỹ đạo, cho phép nghiên cứu khoa học với nhiều chất xúc tác và phản ứng khác nhau.
Thông qua việc điều chỉnh chất xúc tác, công nghệ này có thể tạo ra nhiều loại chất như methane, ethylene (dùng cho ứng dụng đẩy), và axit formic (tiền chất để tổng hợp đường).
Điều thú vị là tất cả các quá trình này đều cần tiêu thụ năng lượng, khiến công nghệ trở nên thiết yếu cho việc sử dụng trong không gian.
Thành tựu này rất giá trị đối với các hành trình khám phá không gian dài hạn, giúp tăng tính tự cung tự cấp và hỗ trợ các sứ mệnh như đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2030.
Cũng như Mỹ, Trung Quốc đặt ra kế hoạch đầy tham vọng đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng trước năm 2030.
Sứ mệnh này đòi hỏi những bước tiến lớn về công nghệ trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm thiết kế tàu vũ trụ, hệ thống đẩy, hệ thống hỗ trợ sự sống, và robot.
Kế hoạch xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS)
Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch táo bạo xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc Tế (ILRS). Dự án này do Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) dẫn đầu, phối hợp với Roscosmos (Cơ quan Không gian Nga).
Việc xây dựng ILRS, dự kiến từ năm 2028 đến 2035, sẽ đòi hỏi sự hiện diện đáng kể của con người trên Mặt Trăng.
Vì môi trường Mặt Trăng không có không khí để thở, việc duy trì sự hiện diện của con người tại đây cần một hệ thống hỗ trợ sự sống mạnh mẽ. Do đó, phát triển này có thể giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu quan trọng trong tương lai.
Theo IE