Bài phát biểu nhậm chức của ông Trump tiết lộ điều gì về đối sách với Trung Quốc 4 năm tới?
(Thị trường tài chính) - Dù không nhắc đến trực tiếp, bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi tín hiệu rõ ràng về chiến lược "vuốt ve và kiềm chế" trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, đe dọa vị thế số một toàn cầu của Washington.
Trong bài phát biểu nhậm chức vào ngày 20/1, ông Trump tuyên bố “thời kỳ suy tàn của nước Mỹ đã chấm dứt,” đồng thời vạch ra một kế hoạch tham vọng nhằm khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu. So với bài phát biểu nhậm chức năm 2017 hay bài phát biểu của người tiền nhiệm Joe Biden, bài diễn văn lần này dài hơn, với trọng tâm là “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Các nhà phân tích cho rằng ông Trump xuất hiện với sự tự tin rõ rệt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Nếu năm 2017, ông hứa hẹn một “kỷ nguyên thành công mới" thì lần này ông đặc biệt quan tâm tới sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, bao gồm sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự.
Trong bài phát biểu kéo dài 30 phút, ông Trump miêu tả bản thân như một “người gìn giữ hòa bình và thống nhất,” với những thông điệp về “hy vọng” và “phục hồi.” Điều này khác xa với tông điệu có phần bi tráng trong bài phát biểu nhậm chức năm 2017, khi ông tuyên bố “Vị thế thảm hại của nước Mỹ phải chấm dứt ngay tại đây, ngay bây giờ.”
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp quan trọng, từ hạn chế nhập cư đến rút khỏi Hiệp định Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), báo hiệu một giai đoạn mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
"Đây không phải là một ngày thuận lợi cho Trung Quốc", GS. Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định. Theo ông, tuyên bố của Trump về việc "không để Mỹ bị lợi dụng nữa" là dấu hiệu đáng lo ngại cho quan hệ song phương.
Trong bài phát biểu nhậm chức đầy quyết liệt, ông Trump cam kết đưa Mỹ "một lần nữa trở thành cường quốc sản xuất" và khẳng định tham vọng không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà còn về "mở rộng lãnh thổ". GS. Shi nhận định rằng so với 4-8 năm trước, Trump sẽ có cách tiếp cận phức tạp hơn với Trung Quốc, cân bằng giữa "sự mềm dẻo, chính xác và kiềm chế".
TS. Pang Zhongying từ Viện ISEAS – Yusof Ishak (Singapore) cho rằng chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. "Mỹ đang cảm nhận rõ áp lực từ sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh tranh luận về 'phương Đông đang lên và phương Tây đang xuống'," ông nhấn mạnh.
Việc Thượng viện nhanh chóng phê chuẩn ông Marco Rubio - một chính khách có lập trường cứng rắn với Trung Quốc - làm Ngoại trưởng Mỹ được xem là minh chứng cho sự đồng thuận ngày càng mạnh mẽ giữa hai đảng trong việc đối đầu với Bắc Kinh.
Theo các nhà phân tích, ông Trump có thể tiếp tục sử dụng "mối đe dọa Trung Quốc" để biện minh cho các chính sách bảo hộ và đối đầu, đặc biệt khi so sánh với đường lối của Biden. Nhiệm kỳ đầu của Trump đã đánh dấu bước ngoặt lớn nhất trong chính sách Trung Quốc của Washington trong 50 năm qua, chuyển từ hợp tác sang cạnh tranh toàn diện.
Trong khi cựu Tổng thống Biden theo đuổi cách tiếp cận cân bằng hơn, tập trung vào kiểm soát xuất khẩu và củng cố liên minh, ông Trump đã không ngần ngại chỉ trích chính sách của người tiền nhiệm. Ông hứa xây dựng "quân đội hùng mạnh nhất lịch sử" và thúc đẩy tham vọng không gian của Mỹ, ám chỉ rõ ràng đến cuộc đua với Trung Quốc.
Elon Musk, CEO SpaceX và là đồng minh thân cận của Trump, sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Hiệu quả Chính phủ, với kế hoạch đưa tàu không người lái lên Sao Hỏa vào năm 2026. Đây được xem là đối trọng với chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc, nước dự kiến thu thập mẫu vật từ Sao Hỏa vào năm 2028.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo về những hạn chế trong cách tiếp cận của chính quyền Trump với Trung Quốc. Theo Sourabh Gupta, chuyên gia chính sách cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ (Washington), chính quyền mới "thiếu đánh giá sáng suốt về quy mô thách thức từ Trung Quốc".
"Chiến lược của Mỹ vẫn dựa trên giả định về vị thế bá chủ kinh tế toàn cầu của Washington, sử dụng đòn bẩy này để gây ảnh hưởng lên các trung tâm công nghiệp và quân sự trong quan hệ với Bắc Kinh," Gupta phân tích.
Chuyên gia này cho rằng trong ngắn hạn, Washington có thể tiếp tục phản ứng theo cảm tính trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, với kỳ vọng Bắc Kinh sẽ gặp phải những hạn chế nội tại như trường hợp của Liên Xô trước đây.
Tuy nhiên, GS. Gupta cảnh báo về một kịch bản chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc có thể trở thành đối thủ với tiềm lực kinh tế và năng lực vượt trội Mỹ. "Điều này sẽ thách thức quan điểm chiến lược cốt lõi của Mỹ kể từ đầu thế kỷ 20, nhất là niềm tin về khả năng đối phó với mọi thách thức từ vị thế siêu cường," ông nhấn mạnh.
Theo Foreign Policy, SCMP