15 năm trước từng từ chối công nghệ Trung Quốc, giờ đây một quốc gia lại mời siêu cường châu Á tham gia 2 dự án điện hạt nhân 'khủng'
(Thị trường tài chính) - Loại Trung Quốc khỏi dự án hạt nhân đầu tiên trị giá 25 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mở cửa chào đón công nghệ Trung Quốc cho hai dự án tiếp theo cho tới năm 2035.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu phát triển ba nhà máy điện hạt nhân vào năm 2035, trong đó Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm tham gia hai dự án mới tại Sinop và Thrace, theo thông tin từ Hurriyet Daily News.
Theo thông tin được Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiết lộ ngày 27/12/2024, bên cạnh nhà máy Akkuyu đang xây dựng, nước này sẽ phát triển thêm hai nhà máy điện hạt nhân tại Sinop ven Biển Đen và khu vực Thrace ở phía Tây Bắc đất nước.
Tham vọng hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu với dự án Akkuyu - được ký kết với tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga vào năm 2010. Dự án có tổng vốn đầu tư 24-25 tỷ USD, bao gồm bốn tổ máy VVER-1200 tại tỉnh Mersin phía Đông Nam đất nước.
Theo kế hoạch, nhà máy Akkuyu sẽ đi vào vận hành từ năm 2025. Giai đoạn đầu với lò phản ứng công suất 1.200 megawatt sẽ đáp ứng 2,5% nhu cầu điện quốc gia. Khi hoàn thiện, tổng công suất 4.800 megawatt dự kiến cung cấp 10% điện năng cho toàn quốc.
Bộ trưởng Năng lượng cho biết, bên cạnh lợi ích kinh tế, Akkuyu còn giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm 7-7,5 tỷ m³ khí đốt tự nhiên nhập khẩu, tiết kiệm khoảng 3 tỷ USD mỗi năm.
Về công nghệ, Nga đã áp dụng nhiều giải pháp tiên tiến tại Akkuyu như mô hình 3D trong thiết kế và thi công, cho phép kiểm tra và điều chỉnh thiết kế trước khi triển khai thực tế. Hệ thống điều khiển và giám sát được số hóa, tự động hóa hoàn toàn, đảm bảo theo dõi và kiểm soát từ xa mọi hoạt động của nhà máy.
Đặc biệt, dự án còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu để thực hiện bảo trì dự đoán, giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao hiệu suất thiết bị. Dữ liệu từ hệ thống cảm biến được phân tích để dự báo thời điểm cần bảo trì hoặc thay thế, chủ động ngăn chặn sự cố.
Đối với dự án Sinop, theo World Nuclear News, Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với nhiều đối tác tiềm năng bao gồm Nga, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại đây.
Về dự án thứ ba tại Đông Thrace, World Nuclear Association cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu nghiên cứu khả thi từ năm 2022. Nước này hiện đang trong quá trình đàm phán với nhiều đối tác về công nghệ, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ.
Theo thông tin từ Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sẽ đưa ra quyết định quan trọng về công nghệ và mô hình phát triển cho hai nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2025. Khi hoàn thành, tổng công suất điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến đạt 7.200 megawatt.
GS Jacopo Buongiorno từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đánh giá: "Về công nghệ nhà máy điện hạt nhân, Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới". Nhận định này được minh chứng qua vị thế của Trung Quốc - quốc gia đang sở hữu 55 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất hơn 53 gigawatt, xếp thứ ba toàn cầu.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Điển hình là dự án lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) Linglong One tại tỉnh Hải Nam. Dự án này được trang bị hệ thống điều khiển thông minh tiên tiến - được ví như "trung tâm thần kinh" của nhà máy - tích hợp các chức năng an toàn với khả năng kiểm soát và hiệu suất vận hành được nâng cao.
Với tiềm lực công nghệ mạnh mẽ cùng kinh nghiệm phát triển nhiều dự án hạt nhân quy mô lớn, Trung Quốc đang nổi lên như một ứng viên sáng giá trong cuộc đua cung cấp công nghệ cho hai dự án hạt nhân mới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Hurriyet Daily News