Vụ thử bom hạt nhân nặng 20 tấn 'phóng' quả cầu lửa đường kính 5km, khiến một hòn đảo ở Thái Bình Dương 'bốc hơi'
(Thị trường tài chính) - Sau khi quả bom hydro cao 6m và nặng 20 tấn giải phóng lực nổ lên đến 10,4 mega tấn, hòn đảo tại khu vực phái Nam Thái Bình Dương hoàn toàn biến mất.
Bom nhiệt hạch Ivy Mike - quả bom nhiệt hạch đầu tiên trên thế giới - là một phần của Chiến dịch Ivy, được Mỹ thực hiện vào năm 1952.
Chiến dịch Ivy của Mỹ được triển khai với hai mục tiêu: chế tạo một quả bom nguyên tử (bom A) có kích thước lớn hơn và phát triển, thử nghiệm bom nhiệt hạch (bom H) dựa trên nguyên lý phản ứng nhiệt hạch.
Vào ngày 1/11/1952, Mỹ đã kích nổ quả bom hydro đầu tiên có biệt danh "Mike" trong khuôn khổ loạt thử nghiệm hạt nhân thuộc Chiến dịch Ivy, theo Interesting Engineering. Đây là lần đầu tiên một thử nghiệm quy mô lớn được thực hiện với thiết kế đột phá của nhà vật lý người Mỹ gốc Hungary Edward Teller và nhà toán học người Ba Lan Stanislaw Ulam. Quả bom được đặt trên đảo Elugelab, một đảo đá không người ở thuộc chuỗi đảo san hô Enewetak nằm ở Nam Thái Bình Dương với 40 đảo nhỏ.
Vụ nổ của "Mike" nhanh chóng phô bày sức mạnh hủy diệt khủng khiếp. Toàn bộ đảo Enewetak bị bốc hơi, để lại một miệng hố khổng lồ với đường kính 1,9km và độ sâu 50m. Vụ nổ còn tạo ra những con sóng thần cao tới 6m, quét sạch mọi cây cỏ trên các đảo lân cận. Gordon Dean, chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, đã báo cáo ngắn gọn với Tổng thống Dwight D. Eisenhower: "Đảo Enewetak đã biến mất".
Vụ nổ tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ có đường kính tới 5km. Trong vòng 90 giây, đám mây hình nấm bốc lên độ cao 17km và tiếp tục tăng lên 33km chỉ trong một phút. Cuối cùng, đám mây ổn định ở độ cao 41km với phần mũ nấm mở rộng tới 161km và phần gốc rộng 32km. Lực nổ đo được mạnh chưa từng thấy đạt tới 10,4 megaton. Một báo cáo quân sự trích dẫn lời các nhân chứng trên nhiều tàu ở ngoài khơi cho biết, vụ nổ thật khó mô tả. Ánh sáng chói lòa kèm theo sóng nhiệt có thể cảm nhận ngay lập tức từ khoảng cách 48 - 56km. Quả cầu lửa khổng lồ xuất hiện trên chân trời như một Mặt Trời thứ hai đang nhô lên, nhanh chóng mở rộng chỉ trong tích tắc.
"Mike" là biểu tượng cho một bước đột phá kỹ thuật, với chiều cao 6m và nặng 20 tấn. Tầm quan trọng của nó nằm ở việc đây là thiết bị hạt nhân đầu tiên sử dụng phản ứng nhiệt hạch (quá trình hợp nhất nguyên tử) để tạo ra vụ nổ mạnh, thay vì chỉ dựa vào phản ứng phân hạch (phân chia nguyên tử). Mike hoạt động bằng cách sử dụng phản ứng phân hạch để kích hoạt quá trình hợp nhất bên trong deuterium lỏng, một đồng vị nặng của hydro.
Cuộc thử nghiệm Ivy Mike không chỉ dẫn đến việc kích nổ thành công quả bom mà còn giúp phát hiện ra hai nguyên tố mới. Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, một đội máy bay của Không quân Mỹ đã bay qua đám mây hình nấm, mang theo các thiết bị đặc biệt được điều chỉnh để thu thập và lọc các mảnh vỡ phóng xạ trong không khí. Những bộ lọc trên máy bay được niêm phong bằng chì và chuyển đến Los Alamos, New Mexico, để tiến hành phân tích.
Cuộc thử nghiệm hạt nhân trên đảo Enewetak kết thúc vào năm 1958. Sau đó, vào các năm 1977 và 2000, quân đội Mỹ đã tiến hành các hoạt động khử ô nhiễm trên Enewetak và các đảo lân cận. Các nhà khoa học dự đoán rằng hòn đảo này có thể sẽ phù hợp cho con người sinh sống vào khoảng năm 2026-2027.