Loại quả ngọt gấp 250 lần đường lại là ‘thần dược’ hạ đường huyết, ngăn ngừa ung thư
(Thị trường tài chính) -Loại quả này còn được gọi là "quả trường thọ", đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc hàng thế kỷ.
Quả la hán từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Việt. Loại quả này còn được gọi là giả khổ qua hay la hán quả; tên khoa học là Momordica grosvenori Swingle, thuộc họ Bí (Cucurbitaceae). Cây la hán là đặc sản của vùng Quảng Tây, Quế Lâm (Trung Quốc) và hiện có nhiều sản phẩm từ quả khô đến chế phẩm bán rộng rãi tại các cửa hàng thuốc Bắc và quán giải khát.
Quả la hán từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Việt. Ảnh: Internet
Theo Đông y, quả la hán có vị ngọt, tính mát, đi vào kinh phế và đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, nhuận tràng và thông tiện. Loại quả này được dùng để hỗ trợ điều trị cảm sốt, viêm khí quản, ho gà, lao phổi gây ho, viêm họng, mất tiếng, ho có đờm, táo bón, cả tiểu đường…
Kiểm soát đường huyết
Theo Aboluowang, chuyên gia dinh dưỡng Vriti Srivastav tại Mumbai, Ấn Độ cho biết, chất làm ngọt tự nhiên từ quả la hán chứa mogrosides - một hợp chất ngọt hơn đường từ 150-250 lần. Do đó, quả la hán là sự thay thế tuyệt vời cho đường đối với người mắc bệnh tiểu đường hoặc cần kiểm soát đường huyết.
Quả la hán là chất tạo ngọt tự nhiên, phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: Internet
Một số nghiên cứu cho thấy mogroside trong quả la hán có khả năng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin - một hormone quan trọng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách giúp glucose đi vào tế bào để sử dụng làm năng lượng. Mogroside cũng được cho là có thể cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể, giúp các tế bào phản ứng tốt hơn với insulin và hấp thụ glucose từ máu hiệu quả hơn.
Mặc dù chất tạo ngọt này an toàn khi sử dụng và chưa ghi nhận về các hiện tượng khó chịu nào khi sử dụng, nhưng phản ứng của mỗi người với chất tạo ngọt này có thể khác nhau, tùy theo tình trạng dị ứng hoặc tiền sử về bệnh đường tiêu hóa.
Tăng cường hệ tiêu hóa
Quả la hán chứa một lượng chất xơ nhất định, giúp thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ tiêu hóa. Trong y học cổ truyền, quả la hán còn có tác dụng nhuận tràng nhẹ, phù hợp cho người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Một số nghiên cứu cho thấy quả la hán có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp duy trì hệ vi sinh cân bằng và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Thanh nhiệt, giải độc
Theo y học cổ truyền, quả la hán có tính mát, vị ngọt, không độc. Ảnh: Internet
Tính mát này giúp làm giảm nhiệt trong cơ thể, giải nhiệt mùa hè, làm dịu các triệu chứng nóng trong như bứt rứt, khó chịu, khát nước. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh quả la hán có khả năng hỗ trợ chức năng gan, giúp gan giải độc hiệu quả hơn. Gan là cơ quan quan trọng trong việc lọc và loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Ngăn ngừa ung thư
Quả la hán giàu các chất chống oxy hóa như flavonoid và vitamin C, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra. Các gốc tự do này có thể gây tổn thương DNA và góp phần vào sự phát triển của tế bào ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất trong quả la hán, đặc biệt là mogroside, có thể ức chế sự tăng sinh và lan rộng của tế bào ung thư.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của quả la hán vẫn còn đang trong giai đoạn đầu, không nên coi loại quả này là một phương pháp điều trị hoặc phòng ngừa ung thư duy nhất. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc, vẫn là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Theo Naturalfoodseries, sự hiện diện của các hợp chất hữu cơ trong quả la hán giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol, đây là điều xảy ra trước khi cholesterol chuyển thành mảng bám bên trong mạch máu và động mạch. Từ đó có khả năng giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và đau tim bằng cách ngăn ngừa sự phát triển của xơ vữa động mạch.
Tính chất chống oxy hóa mạnh mẽ
Có thể sử dụng quả la hán để chế biến thành các món chè, thạch. Ảnh: Internet
Quả la hán chứa nhiều chất chống oxy hóa, đó là lý do tại sao loại quả này được gọi là “trái cây trường thọ”. Chất chống oxy hóa trong quả la hán giúp cơ thể tự bảo vệ để chống lại các gốc tự do và các bệnh khác nhau; đồng thời xây dựng khả năng bảo vệ để giảm thiểu mọi khả năng mắc các bệnh như bệnh đường hô hấp. Vì vậy, việc bổ sung quả la hán vào chế độ ăn uống có thể là một lựa chọn thông minh mà bạn nên cân nhắc.
Giảm ho và đau họng
Quả la hán có tính mát, giúp làm dịu cổ họng, giảm viêm và sưng tấy, từ đó giảm đau họng. Song song với đó, quả la hán còn có thể giúp long đờm, làm loãng dịch nhầy trong cổ họng, giúp giảm ho và dễ thở hơn. Một số nghiên cứu cho thấy quả la hán có đặc tính chống viêm, giúp giảm viêm nhiễm ở đường hô hấp trên, bao gồm cả cổ họng.
Quả la hán chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như ho và đau họng.
3 nhóm người không nên sử dụng la hán quả
Người có tỳ vị yếu: Ăn quả la hán quá thường xuyên có thể gây gánh nặng cho lá lách và dạ dày. Vì vậy, nếu bạn có tỳ vị hư yếu thì nên tránh sử dụng loại quả này hoặc có thể tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng.
Người có cơ địa lạnh: Phụ nữ có cơ địa lạnh, thường xuyên đau bụng kinh, nên tránh dùng quả la hán vì tính mát của nó có thể khiến tình trạng thêm trầm trọng.
Người tiểu đêm nhiều: Nếu bạn bị tiểu đêm nhiều thì có nghĩa là thận và chức năng bài tiết của bạn đang có vấn đề, trong khi đó la hán quả giúp nhuận tràng, lợi tiểu sẽ khiến tần suất tiểu đêm tăng lên và có khả năng tăng gánh nặng cho thận. Nếu muốn dùng, bạn nên sử dụng hạn chế vào ban ngày.
Quả la hán là loại quả lành tính, giàu dinh dưỡng và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao, nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng trong các trường hợp đặc biệt.