HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Từ năm học này, học sinh THPT và THCS sẽ không còn được xếp loại học lực Giỏi, Trung bình, Yếu, Kém, một danh hiệu khác cũng bị ‘xóa sổ’, phụ huynh lưu ý

Thùy Dung

(Thị trường tài chính) - Phương thức này giúp chú trọng vào việc đánh giá học lực và quá trình rèn luyện của học sinh một cách toàn diện.

Bắt đầu từ năm học 2024-2025, học sinh THPT và THCS sẽ không còn được xếp loại học lực dựa trên điểm trung bình các môn học và học bạ cũng sẽ không ghi điểm trung bình các môn.

Theo đó, từ năm học 2024-2025, tất cả các lớp ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sẽ áp dụng phương thức đánh giá mới theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT. Phương thức này chú trọng vào việc đánh giá học lực và quá trình rèn luyện của học sinh một cách toàn diện.

Cụ thể, đối với các môn học được đánh giá bằng nhận xét, sẽ có hai mức: “Đạt” và “Chưa đạt”. Với các môn được đánh giá bằng cả nhận xét và điểm số, học sinh sẽ được xếp vào một trong bốn mức: “Tốt”, “Khá”, “Đạt” “Chưa đạt”.

- Mức Tốt: Học sinh phải đạt mức “Đạt” ở tất cả các môn được đánh giá bằng nhận xét. Các môn kết hợp giữa nhận xét và điểm số phải có điểm trung bình từ 6,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm từ 8,0 trở lên.

- Mức Khá: Học sinh đạt mức “Đạt” ở tất cả các môn được đánh giá bằng nhận xét; các môn có điểm số phải đạt từ 5,0 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình từ 6,5 trở lên.

- Mức Đạt: Học sinh có thể có tối đa một môn học được đánh giá ở mức “Chưa đạt” và ít nhất 6 môn có điểm từ 5,0 trở lên; không có môn nào dưới 3,5 điểm.

- Mức Chưa đạt: Áp dụng cho các trường hợp không đáp ứng các tiêu chí trên.

Từ năm học này, học sinh THPT và THCS sẽ không còn được xếp loại học lực Giỏi, Trung bình, Yếu, Kém, một danh hiệu khác cũng bị ‘xóa sổ’, phụ huynh lưu ý - ảnh 1
Việc loại bỏ xếp loại giỏi, yếu, kém sẽ giảm tình trạng "lạm phát" danh hiệu học sinh giỏi và loại bỏ áp lực học thêm không cần thiết. Ảnh: Internet

Như vậy, từ năm học 2024-2025, hệ thống xếp loại học lực truyền thống với các mức “Giỏi”, “Trung bình”, “Yếu”, và “Kém” sẽ không còn được sử dụng. Bên cạnh đó, danh hiệu “Học sinh Tiên tiến” cũng sẽ không còn áp dụng cho học sinh bậc THCS và THPT.

Việc thay đổi này nhằm khuyến khích học sinh tập trung vào quá trình học tập và phát triển toàn diện, thay vì chỉ chạy theo điểm số, tạo ra một môi trường học tập linh hoạt và khuyến khích phát triển năng lực thực sự.

Thông tư 22 vẫn duy trì danh hiệu "học sinh Xuất sắc" và "học sinh Giỏi", nhưng những danh hiệu này không được ghi vào học bạ mà chỉ dùng để khen thưởng cuối năm học.

Theo đó, hiệu trưởng sẽ trao giấy khen "học sinh Xuất sắc" cho những học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cả năm đều đạt mức Tốt, và có ít nhất 6 môn học đạt điểm từ 9,0 trở lên. Danh hiệu "học sinh Giỏi" sẽ dành cho những học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cả năm đều đạt mức Tốt.

Thông tư 22/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định rõ hai hình thức đánh giá môn học: đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Các môn như giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục địa phương, và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ được đánh giá bằng nhận xét. Trong khi đó, các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông sẽ được đánh giá bằng cả nhận xét và điểm số.

Nhiều ý kiến cho rằng việc loại bỏ xếp loại giỏi, yếu, kém sẽ giảm tình trạng "lạm phát" danh hiệu học sinh giỏi và loại bỏ áp lực học thêm không cần thiết. Điều này cũng giúp tránh các trường hợp học sinh bị o ép học thêm vì sợ không đạt danh hiệu giỏi hay phải thi lại, ở lại lớp. Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp học sinh chỉ thiếu 0,1 điểm trung bình để đạt danh hiệu học sinh khá hoặc giỏi, gây ra sự căng thẳng không đáng có.