HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Đang đào mương, nhóm người dân vô tình phát hiện đồ cổ hiếm có, nay là bảo vật quốc gia của Việt Nam

Mộng Kha

(Thị trường tài chính) - Bảo vật được phát hiện trong tình trạng còn nguyên vẹn, phủ một lớp patin màu xanh đồng pha lẫn sắc vàng sắt, tạo nên vẻ cổ kính.

Theo thông tin trên Báo Dân Việt, khi đào mương làm thủy lợi năm 1992, một nhóm người dân ở thôn Trì, xã Tiên Nội (Duy Tiên, Hà Nam) đã phát hiện một chiếc trống đồng ở độ sâu 1,5m so với mặt ruộng. 

Chiếc trống đồng thôn Trì được phát hiện trong tình trạng còn nguyên vẹn, phủ một lớp patin màu xanh đồng pha lẫn sắc vàng sắt, tạo nên vẻ cổ kính. Trống có chiều cao 53cm, được chia thành bốn phần chính: mặt trống, tang, thân và chân, với hình dáng cân đối hài hòa.

Bảo vật quốc gia: Trống đồng Tiên Nội I - cuộc hội ngộ chim và cá - Ảnh 1.

Chiếc trống đồng thôn Trì được phát hiện trong tình trạng còn nguyên vẹn (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Đáng chú ý, trống có một đường chỉ đúc dọc theo tang, thân và chân, chia trống thành hai nửa rõ rệt. Phần quai trống gồm bốn đôi quai kép, được trang trí với họa tiết vặn thừng, đối xứng qua đường chỉ đúc, làm nổi bật thêm vẻ đẹp tinh xảo và sự công phu trong kỹ thuật đúc đồng cổ xưa.

Mặt trống có đường kính 67,5cm, hơi nhô ra ngoài phần tang, tạo điểm nhấn mạnh mẽ. Ở trung tâm mặt trống là hình mặt trời nổi bật với 12 tia sáng. Xen kẽ giữa các tia sáng là họa tiết lông công, được sắp xếp trong các hình tam giác. Hai cạnh bên của mỗi tam giác là các đường thẳng, còn cạnh đáy bao gồm nhiều đoạn thẳng nổi song song hướng lên đỉnh tam giác.

Từ tâm trống tính ra có 11 vành hoa văn, mỗi vành mang một kiểu trang trí đặc trưng, tạo nên sự đa dạng và tinh xảo. Các vành 1, 3, 5, 6, 9 và 10 được trang trí bằng các hoa văn hình học với các hình tròn có tiếp tuyến, tâm có chấm chìm để tạo điểm nhấn. 

Bảo vật quốc gia: Trống đồng Tiên Nội I - cuộc hội ngộ chim và cá - Ảnh 1.

Mặt trống có đường kính 67,5cm (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Rìa mặt trống có 25 lỗ gần hình vuông, khoảng cách giữa các lỗ không đều nhau. Đây là dấu vết của các con kê được sử dụng trong quá trình đúc trống.

Tang trống cao 21cm (theo độ cong), với chu vi chỗ phình nhất đạt 221,5cm. Bốn đôi quai kép được gắn chắc chắn ở vị trí dưới của tang và phía trên của thân trống, tạo độ bền và thẩm mỹ. Trên tang trống còn có 6 vành hoa văn được sắp xếp theo chiều ngang, tạo thành một dải trang trí hình tròn, tăng thêm vẻ đẹp và giá trị văn hóa của chiếc trống.

Thân trống có hình trụ, hơi loe ở phần dưới nơi tiếp giáp với chân trống, cao 22cm và chu vi ở giữa là 161,4cm. Hoa văn trên thân được chia thành hai kiểu sắp xếp: theo chiều dọc và chiều ngang. 

trong-dong-2.jpg

Trống đồng Tiên Nội I được tìm thấy năm 1988 tại thôn Trì (Duy Tiên - Hà Nam). (Ảnh: Internet)
 
 

 

Trống đồng thôn Trì, qua phân tích về kích thước, niên đại và hoa văn, không thuộc nhóm trống có kích thước lớn nhất, niên đại cổ nhất hay hoa văn phong phú nhất. Tuy nhiên, điểm độc đáo đặc biệt của trống nằm ở hoa văn trên vành 7 trên mặt trống, nơi xuất hiện hình tượng kết hợp độc đáo giữa chim Lạc và cá. Sự thể hiện tinh xảo của cặp chim Lạc và cá này chính là nét "độc sáng" làm nên giá trị văn hóa riêng biệt cho chiếc trống.

Chuyên gia về trống đồng Đông Sơn, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, đã trực tiếp khảo sát chiếc trống đồng thôn Trì và đánh giá đây là một trong những chiếc trống quý hiếm, đặc biệt với hình tượng "con cá", có thể nói là duy nhất trong số những trống đồng Đông Sơn được phát hiện đến nay.

Bảo vật quốc gia: Trống đồng Tiên Nội I - cuộc hội ngộ chim và cá - Ảnh 3.

 Hình tượng kết hợp độc đáo giữa chim Lạc và cá (Ảnh sưu tầm Internet)

Từ sự độc đáo, quý hiếm của Trống đồng thôn Trì, vào ngày ngày 30/1/2023  trống đồng này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.