HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Phát hiện ‘kho báu’ giữa bãi vàng ở Tây Nguyên, các chuyên gia hàng đầu khẩn cấp vào cuộc, hé lộ sự thật xôn xao giới khoa học

Thái Hà

(Thị trường tài chính) -Sự kiện này đã mở ra một cái nhìn mới về vai trò của Kon Tum cũng như Tây Nguyên trong dòng chảy lịch sử và quá trình phát triển văn hóa nhân loại.

Cổ vật giữa bãi vàng

Cách TP. Kon Tum khoảng 15km về phía Tây, làng Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) nằm yên bình bên bờ sông Pô Kô và là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Gia Rai. Ít ai ngờ rằng, hơn 20 năm trước, nơi đây từng phát hiện một di chỉ khảo cổ gây chấn động, làm thay đổi nhận thức về vai trò của Kon Tum trong tiến trình phát triển của loài người.

Phát hiện ‘kho báu’ giữa bãi vàng ở Tây Nguyên, các chuyên gia hàng đầu khẩn cấp vào cuộc, hé lộ sự thật xôn xao giới khoa học - ảnh 1

Việc phát hiện di chỉ Lung Leng đã bác bỏ không ít nhận định trước đây cho rằng Tây Nguyên là "vùng trắng" về khảo cổ tiền sử. Ảnh tư liệu tại Nhà trưng bày huyện Sa Thầy/Báo CAND

Theo người dân làng Lung Leng, vào cuối những năm 1990, người ta phát hiện có vàng tại khu vực bờ sông Pô Kô, đoạn qua làng. Từ đó, các ông chủ lớn ở TP. Kon Tum đổ về đây để khai thác. Trong thời gian này, khi các chủ bãi vào làng để tuyển dụng nhân công, họ phát hiện dân làng đang lưu giữ những chiếc búa, rìu bằng đá với hình dáng kỳ lạ nên đã bỏ tiền mua lại để sưu tập.

Đến giữa năm 1999, một người bán hàng trong bãi vàng Lung Leng mang một thùng giấy đựng cổ vật đến chào bán cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Đây là những hiện vật mà ông mua được từ những người khai thác vàng. Khi mở thùng, các cán bộ bảo tàng không khỏi kinh ngạc khi thấy hơn 300 hiện vật, bao gồm các loại rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, mảnh đá được khoan lỗ, mảnh gốm trang trí…

Ngay ngày hôm sau, gần như toàn bộ đội ngũ cán bộ của Bảo tàng Kon Tum đã vượt rừng để tiếp cận bãi vàng, nằm cách làng Lung Leng khoảng 3km. Người dân trong làng còn nhớ rõ cảnh tượng sôi động lúc đó: xe cộ nườm nượp chở các cán bộ từ cấp huyện, tỉnh, thậm chí cả Trung ương đến đây. Vùng đất yên tĩnh nay trở thành công trường khảo cổ với những hố khai quật và hàng trăm người làm việc mỗi ngày.

Khi đến hiện trường, các chuyên gia khảo cổ khó lòng tin vào mắt mình. Giữa những khu vực khai thác vàng đã bị đào xới nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra ở độ sâu gần 1m dưới mặt đất. Trên vách các hố, có nhiều mảnh gốm dày đến 30cm, xung quanh là các chum, đế bát, mảnh rìu... Ngay sau đó, các di vật được gửi ra Hà Nội để xác định niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ C14, nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước đã lập tức bay vào Kon Tum để tiếp tục nghiên cứu.

Sự kiện này đã mở ra một cái nhìn mới về vai trò của Kon Tum trong dòng chảy lịch sử và quá trình phát triển văn hóa nhân loại.

Một trong những cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất

Trong khoảng thời gian này, các nhà khoa học đã nhanh chóng xúc tiến kế hoạch khai quật di chỉ Lung Leng vì Thủy điện Yaly, được xây dựng từ năm 1993, dự kiến sẽ hoàn tất và tích nước vào năm 2002. Việc tích nước sẽ làm ngập toàn bộ khu vực lưu vực sông Pô Kô, bao gồm cả Lung Leng.

Phát hiện ‘kho báu’ giữa bãi vàng ở Tây Nguyên, các chuyên gia hàng đầu khẩn cấp vào cuộc, hé lộ sự thật xôn xao giới khoa học - ảnh 2

Một góc Thủy điện Yaly, nơi "nhấn chìm" di tích tiền sử Lung Leng. Ảnh: Thanh Tuấn/Báo Lao Động

Cả vùng ven sông Pô Kô đã nhanh chóng trở thành một công trường khảo cổ quy mô lớn với nhiều hố khai quật và hàng chục lều bạt. Hàng trăm người được huy động làm việc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia khảo cổ.

Di chỉ Lung Leng có diện tích khoảng 15.000m2. Đợt khai quật đầu tiên vào tháng 9/1999, chỉ với diện tích 106m2 đã phát hiện hàng trăm hiện vật bằng đá và hàng vạn mảnh gốm, minh chứng cho sự phong phú của khu vực này. Đến nửa cuối năm 2001, toàn bộ di chỉ đã được khai quật. Theo tài liệu từ Cục Di sản Văn hóa, Viện Khảo cổ học đã huy động hơn 40 chuyên gia và hơn 600 công nhân để thực hiện đợt khai quật này. Đây là cuộc khai quật có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào thời điểm đó.

Qua di chỉ này, các nhà khoa học đã xác định người tiền sử từng sinh sống tại đây cách đây hơn 10.000 năm. Di chỉ Lung Leng cung cấp một cái nhìn toàn diện về một xã hội Tây Nguyên thời tiền sử, từ thời đại đồ đá cũ, đá mới, đến thời kỳ kim khí và thậm chí cả thời kỳ trung đại.

Lung Leng không chỉ là di chỉ cư trú mà còn là nơi chế tác đá, sản xuất đồ gốm và tổ chức mộ táng. 

Phát hiện ‘kho báu’ giữa bãi vàng ở Tây Nguyên, các chuyên gia hàng đầu khẩn cấp vào cuộc, hé lộ sự thật xôn xao giới khoa học - ảnh 3

Hàng trăm nhân công góp sức khai quật di chỉ khảo cổ Lung Leng năm 2001. Ảnh tư liệu

Tầng văn hóa hậu kỳ đồ đá cũ được tìm thấy ở độ sâu 1,2-1,4m, bao gồm các công cụ ghè đẽo thô sơ như rìa lưỡi dọc, công cụ nạo hình múi bưởi, được chế tác từ cuội thạch anh hoặc đá bazan. Qua những hiện vật này, ta có thể thấy họ sống trong môi trường khí hậu nóng ẩm của cuối giai đoạn Cánh Tân, khoảng hơn 10.000 năm trước, với lối sống săn bắn, hái lượm mà chưa biết đến nông nghiệp hay kỹ thuật mài đá và làm gốm.

Lớp đất phía trên lại chứa dấu vết văn hóa hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, có niên đại từ 2.000 đến 4.000 năm trước, thuộc thời kỳ Toàn Tân. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện mật độ cao các loại di vật như rìu, bôn đá mài, bàn mài, hòn ghè, hòn nghiền, đồ gốm, than tro, lọ nung và mộ táng. Qua đó, có thể thấy rằng người cổ tại đây đã định cư thành làng bản, làm nông nghiệp, săn bắn, đánh cá và biết chế tác gốm, luyện kim loại.

Họ định cư ngoài trời thành buôn bản, làm nông, săn bắt, hái lượm, đánh cá, chế tác các đồ gốm và luyện kim loại màu. Cụ thể, tại Lung Leng đã tìm thấy nhiều loại di tích bếp lửa, lò luyện kim loại, mộ táng, di cốt người và dấu vết thực vật vỏ trấu. Nghề trồng lúa đã xuất hiện rất sớm tại Tây Nguyên.

Điểm mới lần này là tìm thấy mộ nồi vò úp nhau và mộ kè gốm cho thấy tục táng người chết của cư dân cổ. Mộ chum vò có khá nhiều trong di chỉ, đó là mộ được chôn trong chum hay vò có kích thước lớn, thân hình cầu hoặc nửa quả trứng, đường kính miệng khá lớn.

Có hai mộ chum lồng vào nhau, có mộ có nắp đậy, trên nắp có đá đánh dấu mộ. Có mộ tìm thấy xương người. Phần lớn mộ chum được trang trí hoa văn khắc vạch, văn in hình răng sói ở mặt trong phần miệng với các mô típ khác nhau, một số tô thổ hoàng bên trong. Mộ nồi vò úp nhau là mộ có miệng nồi và miệng vò úp vào nhau. Kích thước nồi vò thường nhỏ hơn mộ chum. Mộ kè gốm là mộ người xưa đập đồ gốm lấy mảnh lớn và kè xung quanh làm biên mộ.

Phát hiện ‘kho báu’ giữa bãi vàng ở Tây Nguyên, các chuyên gia hàng đầu khẩn cấp vào cuộc, hé lộ sự thật xôn xao giới khoa học - ảnh 4

Những hiện vật được trưng bày tại Nhà trưng bày huyện Sa Thầy xác định là vết tích văn hóa từ thời đại đá cũ đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí. Ảnh: Báo CAND

Theo TTXVN, thống kê cho thấy đồ đá có trên 23.000 tiêu bản, đồ gốm khoảng 1 triệu mảnh, đồ sắt rất ít. Khối lượng hiện vật thu được là rất lớn: 14.552 hiện vật đá (gồm cả giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá cũ đến cuối thời đại đồ đá mới - sơ kỳ kim khí), bao gồm các loại hình: Công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức... 244 hiện vật gốm các loại, hàng triệu mảnh gốm; 37 hiện vật kim loại…

Báo Nông nghiệp dẫn lời các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam, Lung Leng là một minh chứng “Việt Nam là nơi chứng kiến quá trình hình thành con người từ thuở hồng hoang, là một vùng đất sớm nảy sinh nền kinh tế nông nghiệp, chế tác công cụ và là một trong những trung tâm luyện kim và hình thành quốc gia cổ đại sớm nhất khu vực Đông Nam Á!”

Hôm nay, Lung Leng đã thay đổi hoàn toàn, không còn dấu tích người xưa. Bởi toàn bộ di chỉ giờ nằm trong vùng bán ngập thủy điện Yaly, mỗi năm có 6 tháng chìm dưới nước, 6 tháng còn lại nước rút, thì cây mai dương, loài cây dại đầy gai mà cả trâu bò cũng ngán, phủ kín.