Ngôi đền nộp hơn 25 tỷ đồng tiền công đức, xây dựng từ thời Hậu Lê, hơn 500 năm lịch sử
(Thị trường tài chính) -Ngôi đền có địa thế vô cùng ấn tượng, lưng tựa núi Hồng Lĩnh, bên cạnh là dòng sông Lam thơ mộng tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Theo thông tin từ Báo Hà Tĩnh, những ngày đầu năm mới, hàng vạn người dân và du khách đổ về đền Chợ Củi du xuân, thắp hương hành lễ cầu may, cầu an. Nổi tiếng linh thiêng, du khách khi đến đền hành hương đã tham gia ủng hộ công đức với số tiền từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn. Năm 2024, tổng số tiền công đức tại Di tích Đền Chợ Củi đạt 25 tỷ đồng.
Nơi lưu giữ tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ
Đền Chợ Củi thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi đền có địa thế vô cùng ấn tượng, lưng tựa núi Hồng Lĩnh, bên cạnh là dòng sông Lam thơ mộng tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử của xã Xuân Hồng, đền Chợ Củi thờ ông Hoàng Mười. Theo lịch sử đền chợ Củi, ông Hoàng Mười là con của Long Thần Bát Hải Đại Vương. Ông vốn là quan trên Đế Đình, thần tiên chốn Đào Nguyên, sau đó giáng trần để giúp dân cứu nước. Khi hạ phàm, thân thế của ông có rất nhiều dị bản.
Ngoài ra, người dân Hà Tĩnh còn truyền nhau rằng ông Hoàng Mười là hiện thân của vị tướng Lê Khôi. Ông theo Lê Lợi đánh giặc, cứu nước và lập nhiều chiến công lớn trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược. Ông làm quan qua 3 triều đại nhà Lê và được phong đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục, Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân.
Đền Chợ Củi được xây dựng từ thời Hậu Lê, mang vẻ rêu phong, cổ kính đậm màu 500 lịch sử.
Kiến trúc độc đáo
Đền Chợ Củi còn được gọi bằng tên chữ là Thánh Mẫu Linh từ. Đền được xây dựng vào thời Hậu Lê theo kiểu kiến trúc chữ Tam, gồm các phần tam quan, hạ điện, trung điện và thượng điện. Dù trải qua nhiều lần trùng tu, đền vẫn giữ được vẻ cổ kính, trang nghiêm và hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên của sông núi mang lại không gian huyền bí, đậm đà bản sắc dân gian.
Tam quan của đền nằm gần bến sông, cao hai tầng với hình tượng "lưỡng long chầu nguyệt" mềm mại nhưng tinh tế. Đi qua tam quan là một vòng hồ bán nguyệt trong sân đền, rồi tiếp tục qua 7 bậc thềm lên sân trên và thêm 5 bậc nữa là đến khu vực chính của đền.
Kiến trúc của đền được chia thành ba phần, mỗi phần gồm ba gian. Khác với nhiều ngôi đền khác, các phần của đền Chợ Củi được kết nối với nhau theo trục thần đạo với các cung thờ được bố trí từ trên xuống dưới, bao gồm cung thờ Thánh Mẫu (thờ Tam phủ), cung thờ Ngũ vị Tôn ông, cung thờ Quan Hoàng Mười, cung Chầu Mười và cung Trần Triều.
Tòa thượng điện (hậu cung) là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, gồm Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Ba vị Thánh Mẫu này được thờ tại nơi cao quý nhất của đền, trong đó Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ, Mẫu Thoải mặc áo xanh còn Mẫu Thượng Ngàn mặc áo trắng.
Đền Chợ Củi đã nổi tiếng linh thiêng từ lâu, không chỉ thu hút người dân xứ Nghệ mà còn du khách từ thập phương đến tham quan, chiêm bái và tham gia các lễ hội đặc sắc. Theo sách "Nghi Xuân địa chí" của Tú tài Lê Văn Diễn viết vào năm Nhâm Dần (1842), Đền Liễu Hạnh chính là đền Chợ Củi. Ông cũng nhắc đến những bức hoành phi và câu đối cổ: "Ức triệu trẻ nên người đều ơn mẹ / Xa gần ai đến lễ, thảy gọi đồng môn".
Cổng đền có nhiều câu đối cổ được viết bằng chữ Hán Nôm. Kiến trúc của đền đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1993. Sau nhiều lần trùng tu, đền Chợ Củi đã trở thành một điểm đến tâm linh nổi bật, thu hút đông đảo du khách.
Đền còn lưu giữ tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ (Tam tòa thánh vị, vạn thế Mẫu nghi) của người Việt, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng dòng với di tích Phủ Dầy.
Hàng năm, các lễ hội tại đền diễn ra vào các ngày mồng 3/3 âm lịch (giỗ Thánh Mẫu), ngày 20/8 âm lịch (giỗ Đức Thánh Trần) và ngày 10/10 âm lịch (giỗ Quan Hoàng Mười). Lễ hội thu hút hàng nghìn khách thập phương về chiêm bái và cầu nguyện, hy vọng được Thánh Mẫu và các vị thần linh chở che, bảo vệ. Cảnh quan nơi đây với sự hòa quyện giữa sông núi tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo, cùng các hoạt động văn hóa dân gian như hát chầu văn, lễ hầu đồng, đã góp phần làm cho không khí lễ hội thêm phần sôi động, vui tươi và lôi cuốn du khách.
* Tổng hợp