HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Mức sinh của Việt Nam xuống thấp nhất trong lịch sử, tương lai một người trẻ phải chăm sóc 6 người già

Thùy Dung

(Thị trường tài chính) - Cụ thể, trong năm 2023, mức sinh ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và có xu hướng tiếp tục giảm.

Mức sinh xuống thấp kỷ lục

Theo thông tin từ báo Dân trí, ngày 10/12, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) với chủ đề: "Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc".

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh rằng công tác dân số hiện đang đối diện với hàng loạt khó khăn và thách thức. Ông chỉ ra rằng các vấn đề dân số phát sinh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và xã hội mà còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Mức sinh thay thế tại Việt Nam đang ngày càng giảm, đặt ra những tác động tiêu cực đến nhiều mặt của nền kinh tế và xã hội. Làm thế nào để duy trì mức sinh thay thế là câu hỏi lớn được các chuyên gia liên tục đề cập.

Mức sinh của Việt Nam xuống thấp nhất trong lịch sử, tương lai một người trẻ phải chăm sóc 6 người già - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: PV/Vietnam+

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, việc duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc vẫn chưa đạt độ bền vững. Cùng với đó, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao, với tỷ lệ năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái. Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh khiến Việt Nam vượt qua thời kỳ dân số vàng.

Ngoài ra, nhiều vấn đề khác cần được quan tâm như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở trẻ vị thành niên. Bên cạnh đó, cải thiện tầm vóc, thể lực và chất lượng cuộc sống của người dân cũng là những mục tiêu cấp thiết để xây dựng một xã hội phát triển bền vững.

Tổ chức bộ máy phụ trách công tác dân số hiện vẫn chưa được ổn định và thiếu sự thống nhất giữa các tỉnh, thành phố. Đồng thời, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Đặc biệt, khi bước sang năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn, trong đó có nguy cơ không đạt được một số chỉ tiêu quan trọng.

Một đứa trẻ phải chăm sóc 6 người già

Trả lời trên tờ Reatimes về tình trạng mức sinh giảm báo động, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM nhận định, hiện tại, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về những áp lực mà các trẻ là con một phải đối mặt. Tuy nhiên, tại một số quốc gia châu Á trẻ con một thường chịu áp lực lớn từ kỳ vọng thành đạt của gia đình cùng với trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ theo truyền thống. Đây là một thách thức đáng kể mà thế hệ con một đang đối diện trong xã hội hiện đại.

Mức sinh của Việt Nam xuống thấp nhất trong lịch sử, tương lai một người trẻ phải chăm sóc 6 người già - ảnh 2
Ảnh minh họa. Ảnh: Thanh Huế

Ông Trung dẫn chứng mô hình nhân khẩu học từ Trung Quốc, đất nước từng áp dụng chính sách một con với công thức "4-2-1": một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại. Trong tương lai, điều này có thể đảo ngược thành công thức "1-2-4", nghĩa là một đứa trẻ sẽ phải gánh trách nhiệm chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà. Ông cho rằng, những đứa trẻ hiện nay được nuôi dưỡng kỹ lưỡng bởi sáu người lớn có nguy cơ thiếu kỹ năng và khả năng chăm sóc chính bản thân cũng như người cao tuổi trong tương lai.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nhấn mạnh rằng xu hướng sinh ít con không chỉ là gánh nặng cho mỗi gia đình mà còn tác động mạnh đến xã hội. Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương chỉ ra rằng người cao tuổi ở Việt Nam có trung bình 14 năm sống chung với bệnh tật. Do đó, nếu một người phải chăm sóc hai hoặc bốn người già, gánh nặng kinh tế sẽ trở nên vô cùng lớn. Thêm vào đó, tình trạng già hóa dân số cũng đặt ra áp lực nặng nề lên hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo và tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân số.