Kiệt tác cây cầu xây dựng từ gỗ nguyên khối, vinh dự được tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục
(Thị trường tài chính) - Với lối thiết kế đặc biệt, cây cầu đã trở thành điểm thu hút không thể bỏ qua cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên và kiến trúc truyền thống.
Cách trung tâm thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) khoảng 10km về phía Bù Đăng, tại ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú có một cây cầu gỗ lợp ngói đặc biệt nằm trong nông trại sinh thái thuộc Công ty Cổ phần Vĩnh Phúc, đã được xác lập kỷ lục.
Theo thông tin trên Trang thông tin điện tử Tỉnh Ủy Bình Phước, cây cầu này thường được gọi với tên cầu Đồng Phú đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công bố và trao bằng xác lập kỷ lục “Nông trại du lịch sinh thái có cây cầu gỗ lợp ngói, đà cầu bằng thân gỗ nguyên khối dài nhất” vào ngày 26/1/2018.
Cây cầu đã được xác lập kỷ lục (Ảnh: Internet)
Với lối thiết kế đặc biệt và quy mô ấn tượng, cây cầu đã trở thành điểm thu hút không thể bỏ qua cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên và kiến trúc truyền thống.
Cầu có chiều dài 72m rộng 3,6m, chiều dài nhà gỗ lợp ngói 27m, phần cầu trên thân cây gỗ dài 15,3m. Đà cầu làm bằng thân gỗ sao đen, đường kính 1,26m dài 14,4m. Phần nhà chờ ở hai đầu có diện tích 6,3 x 6,3m.
Đặc biệt, giữa sàn cầu, 6 khung kính cường lực được lắp đặt để du khách có thể nhìn xuyên xuống đà cầu làm từ thân gỗ nguyên khối, một điểm nhấn khác lạ và thu hút.
Cầu có chiều dài 72m rộng 3,6m (Ảnh: Internet)
Cầu Đồng Phú không chỉ nổi bật về chiều dài mà còn về thiết kế cổ điển, cầu có kiểu dáng nhà cổ ở Huế, hình chữ “công”, cột kèo bằng gỗ da đá, sàn gỗ, mái lợp ngói bát tràng Hà Nội.
Cầu có kiểu dáng nhà cổ ở Huế, hình chữ “công" (Ảnh: Internet)
Cây cầu được thiết kế để chịu tải trọng lên đến 3 tấn bắc qua dòng suối tự nhiên rộng 12m có nước quanh năm, đủ vững chắc để phục vụ giao thông nội bộ cũng như du khách đến tham quan.
Cây cầu được thiết kế để chịu tải trọng lên đến 3 tấn (Ảnh: Internet)
Với diện tích nông trại lên tới 300ha, khu vực này không chỉ là một trang trại nông nghiệp thông thường mà còn là một khu sinh thái, bao gồm rừng trồng, cây ăn trái và mô hình chăn nuôi đa dạng.
Ông Trần Văn Tấn, chủ nông trại kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Phúc, là người khởi xướng ý tưởng xây dựng cây cầu này. Ông mong muốn bảo tồn các loại gỗ quý hiếm, đồng thời tạo nên một điểm nhấn kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, phục vụ nhu cầu di chuyển và tham quan trong nông trại.
Để biến ý tưởng của ông Tấn thành hiện thực, kỹ sư Nguyễn Văn Khanh đã đảm nhiệm thiết kế cầu, còn các nghệ nhân làng mộc từ Nam Định với tay nghề tinh xảo đã trực tiếp thực hiện.
Cây cầu thu hút đông đảo du khách tìm đến khám phá (Ảnh: Internet)
Công trình không chỉ là một cây cầu gỗ thông thường mà là một biểu tượng cho sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và cảnh quan tự nhiên, thể hiện tâm huyết trong việc bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch sinh thái của công ty.
Nguồn tham khảo: Báo Bình Phước, Kyluc.vn, Trang thông tin điện tử Tỉnh Ủy Bình Phước.