Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực từ 1/8/2024

Phùng Xuân

(Thị trường tài chính) - Các Luật Đất đai 2024, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản 2023 và hai điều Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/8, theo Quyết nghị của Quốc hội.

Ngày 29/6/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Đây là dự án luật được Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp và nhận được sự đồng ý của Quốc hội. Ngay tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã điều chỉnh chương trình làm việc và bổ sung nội dung này vào để xem xét, quyết định thông qua.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực từ 1/8/2024 - ảnh 1
Quang cảnh Phiên họp (Ảnh: Hồ Long)

Theo đó, 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm hơn 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội trước đó là hiệu lực từ 1/1/2025 (trừ khoản 2 và 3 Điều 252 của Luật Đất đai).

Tương tự, khoản 3 của Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng sẽ có hiệu lực sớm từ 1/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây, đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời, nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này, ông Thanh nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, một số ý kiến đề nghị thận trọng và tính toán thời điểm luật có hiệu lực cho phù hợp do quan ngại về tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương. Khối lượng văn bản giao cho các địa phương ban hành nhiều, nhiều văn bản phải căn cứ vào nghị định hoặc thông tư của Bộ, ngành trong khi các văn bản này chưa được ban hành.

Đồng thời các văn bản của địa phương vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian cho các địa phương ban hành văn bản thuộc thẩm quyền rất gấp. Do đó, đề nghị Chính phủ nhận diện rõ và đánh giá một cách đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh và có giải pháp phù hợp.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng. Chính phủ đã báo cáo về tiến độ ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.