Tìm hướng đi cho doanh nghiệp tăng trưởng từ ESG

Lệ Giang

(Thị trường tài chính) - Thực hành ESG cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung, không chỉ là xu thế, mà còn là điều kiện bắt buộc. Nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này.

Đạt được mục tiêu tăng trưởng đã là thách thức lớn. Song, tăng trưởng phải đi đối với bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm với xã hội, gắn với thực hành quản trị tốt, lại càng là vấn đề nan giải, bởi đi kèm là chi phí gia tăng, các điều kiện hoạt động trở nên khắt khe và phức tạp. Câu hỏi về sự tồn tại trong môi trường cạnh tranh đầy biến động càng trở nên thách thức đối với nhiều doanh nghiệp.

Để đi tìm động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp, Báo Đầu tư đã phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” (ESG: Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp).

Tìm hướng đi cho doanh nghiệp tăng trưởng từ ESG  - ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo

Tìm động lực tăng trưởng từ ESG

Tại Việt Nam, ESG ngày càng được quan tâm rộng rãi, phần lớn là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG và sự gia tăng nhu cầu của nhà đầu tư với đầu tư bền vững.

Báo cáo ESG tại Việt Nam cho thấy, 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2 - 4 năm tới. Do đó, việc công bố dữ liệu và báo cáo ESG sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ trở thành xu thế không thể đảo ngược trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mặc dù tăng trưởng kinh tế là mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng tới, nhưng phát triển xanh, bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được không chỉ sự thịnh vượng về kinh tế mà còn bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

“Ngoài lợi nhuận doanh nghiệp còn phải quan tâm đến môi trường xã hội, các doanh nghiệp lớn hiện nhận ra rằng thúc đẩy và tăng trưởng ESG là để phát triển bền vững, có lợi ích lâu dài cho cổ đông, cộng đồng vì vậy họ luôn coi trong ESG khi có một quyết định đầu tư. Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi” Thứ trưởng cho biết.

Tìm hướng đi cho doanh nghiệp tăng trưởng từ ESG  - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, CEO Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS (WBS) cho biết, mục tiêu của WBS là khởi tạo thương mại đa phương và kết nối kinh tế bền vững. “Chúng tôi mong muốn đồng dài dài hạn cùng các doanh nghiệp trong hành trình phát triển xanh, thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ”, bà Như nói.

“Tối đa hóa lợi nhuận là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu”

Tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm “Mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu. Tại sao các ông chủ có tài sản hàng tỷ đô sao không tận hưởng cuộc sống xa hoa mà vẫn phải lao tâm khổ tứ với những dự án lớn đầy rủi ro để có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người. Rõ ràng mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp phải là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng chứ không chỉ là mục tiêu lợi nhuận thô kệch”.

Do đó, ông Tú Anh cho rằng, thực hiện ESG không chỉ làm cho doanh nghiệp cảm thấy những thành công của mình thực sự có ý nghĩa hơn, lớn hơn và bao trùm hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp dễ thành công hơn trong bối cảnh mà nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường của cộng đồng ngày càng cao.

Tìm hướng đi cho doanh nghiệp tăng trưởng từ ESG  - ảnh 3
Ông Tú Anh cho rằng, “Tối đa hóa lợi nhuận là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu”

Nhận định dưới góc nhìn của cơ quan quản lí nhà nước, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, doanh nghiệp đã có nhận thức 80-90% về ESG, nhưng giờ cần phải làm gì để thực thi lại là một thách thức.

“Doanh nghiệp nhận thức sự cần thiết của ESG nhưng làm thế nào và làm từ đâu, họ có lợi ích gì hơn không thì họ chưa rõ. Trong 3 yếu tố ESG, trong đó G – “Quản trị doanh nghiệp” là tiêu chí khó khăn mệt mỏi nhất. Doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu là hộ gia đình, quy mô siêu nhỏ, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, để đạt yếu tố G thì quá khó, mà đạt được G thì mới có thể thực hiện tiếp các yếu tố E và S được”, bà Bùi Thu Thủy cho biết.

Còn ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, có những thách thức và rào cản khác nhau trong thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam, bao gồm việc kiến thức chưa đầy đủ, thiếu nguồn nhân lực và quy định của Nhà nước.

“Cần có một chương trình toàn diện, bao gồm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ tiếp cận với các nhà đầu tư ESG và tác động, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện ESG theo đúng cách, tập trung vào tính khoa học và tác động thực tế”, ông Patrick Haverman nêu.