HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Giải bài toán về ESG đối với ngành dệt may

Lệ Giang

(Thị trường tài chính) - Mặc dù đang trên đà tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong số đó là các quy định ESG ngặt nghèo của các quốc gia lớn như Hoa Kỳ và khối liên minh Châu Âu, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ, đồng hành kịp thời từ các ban ngành và ngân hàng.

Tại sao ESG quan trọng?

ESG là bộ tiêu chuẩn về “môi trường, xã hội và quản trị” trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Hiện nay, cộng đồng ngày càng hiểu rõ hơn sự cần thiết của phát triển bền vững đối với nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. ESG đóng vai trò như “kim chỉ nam” giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro, cũng như cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Ngày nay, khi nhận thức về con người và môi trường ngày càng phát triển, người tiêu dùng trong xã hội hiện đại không chỉ đặt ra những yêu cầu về chất lượng, giá thành mà đồng thời còn đòi hỏi tính bền vững và thân thiện với môi trường trong từng sản phẩm. Ngoài ra nhiều người cũng quan tâm cả chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động và cộng đồng. Do vậy, bộ tiêu chuẩn ESG là xu hướng tất yếu buộc các doanh nghiệp phải áp dụng nhằm cạnh tranh, thu hút khách hàng.

Giải bài toán về ESG đối với ngành dệt may - ảnh 1
Các chuyên gia và doanh nghiệp dệt may chia sẻ tại hội thảo

Một chiến lược ESG thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các nhà đầu tư, sẽ được cải thiện tâm lý ổn định, từ đó có thể tăng khả năng tiếp cận vốn từ đối tượng này. Với hoạt động kinh doanh, sẽ giúp hạn chế rủi ro về khí hậu, giảm chi phí vận hành và tạo sự khác biệt trong cạnh tranh. Ngoài ra, chiến lược ESG thành công cũng tạo ra được sự uy tín của doanh nghiệp.

Tại hội thảo “Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Dệt may 2024” do Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 40 doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Quốc tế, các chuyên gia hàng đầu trong ngành dệt may đã đưa ra những nhận định và đánh giá các ảnh hưởng của các quy định ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) nghiêm ngặt của các quốc gia lớn như Hoa Kỳ và khối liên minh Châu Âu đến ngành dệt may Việt Nam. Đồng thời, chia sẻ lộ trình chuẩn bị để tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong ngành thông qua đầu tư vào xanh hóa chuỗi giá trị.

Gia tăng nguồn lực, tăng lợi thế cạnh tranh

Đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may, Techcombank đã đưa ra các giải pháp về vốn, số hóa quản trị nguồn vốn và thanh khoản để tối ưu hóa chi phí tài chính cũng như cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế của Mỹ, Châu Âu và Việt Nam giúp doanh nghiệp chủ động đưa ra kế hoạch, các quyết sách để quản trị các rủi ro về tỷ giá, lãi suất.

Với sự chia sẻ từ chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ESG từ KPMG và lãnh đạo cấp cao, chuyên gia tài chính của Techcombank đã mang đến bức tranh về thị trường, những cơ hội và thách thức cho Doanh nghiệp Dệt may trong năm 2024 giúp trang bị và chia sẻ các kiến thức để các doanh nghiệp cân nhắc trong các kế hoạch kinh doanh của mình.

Đặc biệt, một trong những nội dung mang tính thời sự cho doanh nghiệp là những định hướng, lộ trình đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG với phát triển bền vững của doanh nghiệp Dệt may Việt Nam. Đây cũng là một yếu tố quan trọng gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, đáp ứng các yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ và Châu Âu.

Đánh giá cao những chia sẻ của các chuyên gia cùng doanh nghiệp Dệt may, Chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, với những khó khăn thách thức, những áp lực về giá, chi phí sản xuất, sự thiếu hụt đơn hàng, áp lực về nhân công cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, thì sự đồng hành của các cơ quan ban ngành và ngân hàng trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ vướng mắc khó khăn rất quan trọng.

“Đặc biệt, với sự am hiểu sâu sắc, đề xuất các giải pháp thiết thực, sự đồng hành từ ngân hàng Techcombank sẽ cùng VITAS thực thi các mục tiêu chiến lược đã đề ra. Đồng thời, giúp cộng đồng doanh nghiệp gia tăng nguồn lực và lợi thế trên thị trường trong nước và thế giới”, Chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.

Giải bài toán về ESG đối với ngành dệt may - ảnh 2
Xây dựng lộ trình đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG với phát triển bền vững của doanh nghiệp Dệt may Việt Nam

Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Giao dịch toàn cầu Techcombank Phan Thanh Sơn chia sẻ, Techcombank luôn đánh giá cao những đóng góp của ngành dệt may đối với nền kinh tế Việt Nam và định hướng đây là một trong những lĩnh vực trọng điểm để đồng hành.

Dựa vào đặc thù ngành và kinh nghiệm tài chính, đại diện ngân hàng này cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp ngành Dệt may thông qua các giải pháp tài chính được xây dựng theo đúng nhu cầu. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để chia sẻ cùng doanh nghiệp trong việc tiếp cận những chuẩn mực Quốc tế như ESG, thiết kế giải pháp C-Cash để cùng doanh nghiệp quản trị dòng tiền hiệu quả, giảm thiểu các rủi ro tỷ giá… góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh.

“Chúng tôi tin rằng sự kết nối và chia sẻ của Techcombank, Hiệp Hội Dệt May và doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta cùng vượt qua những khó khăn, thách thức, gia tăng giá trị, sự thành công cho các bên”, lãnh đạo Techcombank chia sẻ.