Thấp thỏm... chờ thưởng Tết
(Thị trường tài chính) - Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa Tết Nguyên đán sẽ đến, những người lao động đang thấp thỏm chờ DN thông báo thưởng Tết.
Bởi, với người Việt, làm quanh năm, Tết là để trở về, là để sum họp, là để biếu quà mẹ cha và thưởng Tết cũng là nguồn tích lũy hiếm hoi mà họ có trong năm. 19/1/2024 là hạn chót mà Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các DN công khai mức thưởng Tết, đây cũng là cách biểu dương DN làm tốt, giữ chân người lao động trong thời kỳ khó khăn.
Chứng kiến công nhân của một công ty mừng rơi nước mắt khi đơn vị thông báo thưởng Tết Nguyên đán tương đương 1 tháng lương mới thấy ý nghĩa tiền thưởng cuối năm với mỗi công nhân là như thế nào. Hoặc nhiều DN dệt may, da giày chủ lực, với lượng công nhân vài chục nghìn cũng có mức thưởng vài trăm nghìn đồng/người trong dịp Tết Dương lịch và 150% mức lương cơ bản dịp Tết Nguyên đán...
Đó là những tin mừng hiếm hoi được một số DN công bố, người lao động nghe xong cũng mừng vui khôn tả. Bởi vì, trên khắp các nguồn tin đều dự báo năm nay mức thưởng Tết dự đoán không cao. Nguyên nhân là đơn hàng xuất khẩu gặp khó, mức lương cơ bản của người lao động so với cùng kỳ năm trước cao hơn 10%, nên thưởng Tết 1 tháng lương như năm trước cũng đồng nghĩa với mức thưởng của năm nay cũng tăng 10% so với năm trước. Đây thực sự là bài toán khó, cũng như nỗ lực của nhiều DN.
Trong khi đó, cũng còn không ít DN hiện nay chưa thể nghĩ đến thưởng Tết vì tình trạng nợ lương còn chưa chấm dứt. Theo thống kê sơ bộ, trên toàn thị trường lao động, mức thưởng Tết sẽ giảm, nhất là tại các DN nhỏ và vừa. Các chuyên gia nhận định, mức thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm 2023 từ 10 - 20% tùy theo từng ngành và sẽ có nhiều DN không có thưởng.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm một mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ấm no cho người dân, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã ra Chỉ thị số 30/CT-TTg. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn,... để quan tâm, chăm lo, kịp thời có các hỗ trợ phù hợp. Chỉ thị cũng nêu rõ việc các cơ quan có thẩm quyền phải chủ động, tích cực quan tâm tới đời sống người dân với tiêu chí là ai cũng được đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm,...
Ngoài ra, cần thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán. Trước đó, trong kế hoạch chăm lo Tết 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động.
Việc thưởng Tết cho người lao động không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu điều này đã trở thành văn hóa của DN Việt Nam, vừa để tạo động lực, giữ chân người lao động vừa để thể hiện trách nhiệm của DN. Chính vì vậy từ người đứng đầu Chính phủ cho đến các cơ quan có liên quan đều rốt ráo vào cuộc để mong muốn người lao động Việt Nam có một cái Tết ấm no và sum vầy.