HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Phần thi mô phỏng tình huống gây mất ATGT, khiến người học người thi bức xúc

Ngọc Hải

(Thị trường tài chính) - Sau 18 tháng, việc áp dụng phần mềm 120 kịch bản mô phỏng các tình huống gây mất ATGT vào học và thi lấy giấy phép lái xe đã thấy rõ bất cập, khiến người học và thi bức xúc. Bộ GTVT cần tham mưu cho Chính phủ dừng ngay phần thi này càng sớm càng tốt.

Từ ngày 15/6/2022, các địa phương trên cả nước bắt đầu áp dụng phần mềm 120 kịch bản mô phỏng các tình huống gây mất ATGT vào học và thi lấy GPLX. Dù ngay khi bắt đầu đưa vào phần thi sát hạch cấp GPLX, nội dung này đã bị phản đối mạnh mẽ, nó vẫn tiếp tục kéo dài và ngày càng cho thấy rõ sự bất cập.

Phần thi mô phỏng khiến người học và thi bức xúc với nhiều bất cập. Ảnh minh họa.
Phần thi mô phỏng khiến người học và thi bức xúc với nhiều bất cập. Ảnh minh họa.

Mục đích của học phần mô phỏng là nhằm giúp người học nhận biết được các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT thường gặp; các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn khi tham gia giao thông ở trên đường bộ, trong các điều kiện khác nhau. Tạo ý thức phản xạ cho người học nhận biết, phân tích và xác định từng giai đoạn xảy ra trong một tình huống giao thông.

Tuy nhiên, việc quy định nó là một nội dung thi bắt buộc trên máy tính, thay vì xử lý tình huống bằng giả lập cabin lái xe, lại ngồi canh từng giây để bấm phím đã khiến nhiều thí sinh “bất lực”.

Vấn đề ở đây không phải người thi không nhận thức được tình huống mà rất khó bấm phím vào đúng thời điểm chính xác để ghi điểm. Chính vì vậy, thay vì tập trung vào nhận biết tình huống nguy hiểm, người học và thi lại chỉ tập trung vào việc đối phó với phần thi.

Không chỉ phản tác dụng, phần thi mô phỏng còn gây phản cảm cho hầu hết người thi, kể cả những người “may mắn” vượt qua. Giả sử trong một tình huống nguy hiểm thực tế tương tự khi thi mô phỏng, người lái xe phải làm gì, đạp phanh, đánh lái hay… bấm phím (?).

Mặt khác, từ khi áp dụng thêm phần học và thi mô phỏng trên máy tính, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đã phải trang bị thêm máy móc với khoản tiền không nhỏ, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Người học cũng phải nộp thêm một khoản học phí nhất định, khóa học kéo dài hơn do hạng mục giả lập, trong khi họ cần thêm thời gian thực lái trên đường hơn. Rõ ràng thi mô phỏng trên máy tính như hiện nay không đem lại hiệu quả nào thiết thực mà chỉ chỉ gây tốn kém, lãng phí.

Hàng loạt Sở GTVT địa phương, người dân, các kênh thông tin báo chí đã nêu rõ những bất cập này, kiến nghị Bộ GTVT hủy bỏ phần thi mô phỏng 120 tình huống nguy hiểm, chỉ đưa vào nội dung giảng dạy, thực hành.

Nhưng đã 18 tháng trôi qua, hàng trăm nghìn lượt thí sinh đã phải tìm cách ứng phó với phần thi “trời ơi” này; hoặc chỉ vì bấm nhanh chậm 1, 2 giấy mà thi trượt, phải tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức để thi lại, mà bất cập vẫn chưa được Bộ GTVT thừa nhận.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, việc áp dụng phần thi mô phỏng lái xe hiện nay là theo quy định của Chính phủ.

Vậy cơ quan nào tham mưu cho Chính phủ đề ra quy định đó (?). Căn cứ trên cơ sở nào để tham mưu (?).

Đã đến lúc Bộ GTVT cần nhìn nhận rõ một quy định không phù hợp, gây khó khăn cho người dân. Từ đó có những tham mưu, kiến nghị nhanh chóng với Chính phủ để tối thiểu là tạm dừng, xem xét và điều chỉnh lại.

Cách tốt nhất là loại bỏ nội dung thi mô phỏng tình huống nguy hiểm trên máy tính, chỉ xem xét cho học viên làm quen, thực hành trong phần đào tạo. Nếu cần có căn cứ thực tế bên cạnh những kiến nghị của người dân, Sở GTVT địa phương và các chuyên gia, lãnh đạo Bộ GTVT có thể tự mình trải nghiệm phần thi này.